Những suất cơm nghĩa tình

5h sáng, bếp ăn Từ Tâm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đỏ lửa. Hơn 20 con người tất bật chuẩn bị trên 4.000 suất cơm gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân ở những khu phong tỏa, cách ly.

Chị Đinh Thị Nhung (SN 1984, thành viên Ban tổ chức, quản lý bếp ăn Từ Tâm) cho biết, bếp ăn là một trong những hoạt động của nhóm thiện nguyện Từ Tâm trong thời gian TP.HCM bùng phát dịch bệnh.

Chị Nhung nói: “Ban đầu, khi TP.HCM bùng phát dịch, chúng tôi cùng Đại đức Thích Minh Đạo, Trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ (TP.Thủ Đức) vận động chi phí mua mì tôm và một số thực phẩm thiết yếu để phát cho người dân”.

{keywords}
Mỗi ngày, bếp ăn Từ Tâm nấu 4000-5000 suất cơm để hỗ trợ người khó khăn vì dịch bệnh.

“Tuy nhiên, việc phát thực phẩm như vậy không phù hợp, không hỗ trợ được nhiều cho lực lượng tuyến đầu chống dịch vì họ không có người phục vụ hậu cần. Do đó, chúng tôi quyết định thành lập bếp ăn Từ Tâm để có thể hỗ trợ các phần cơm cho lực lượng này cũng như những người khó khăn vì dịch bệnh”, chị cho biết thêm.

Lúc đầu, bếp ăn dự kiến chỉ nấu khoảng 1.000 suất ăn chay, mặn mỗi ngày. Tuy vậy, sau ít ngày hoạt động, bếp ăn đã tăng số suất cơm lên gấp nhiều lần so với dự tính. Hiện tại, bếp nấu từ 4.000-5.000 suất cơm/ngày.

Để có thể chuẩn bị những phần cơm chất lượng, đảm bảo vệ sinh như trên, chị Nhung cho biết, bếp ăn đã được tổ chức một cách bài bản.

"Chúng tôi tìm kiếm nguồn thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng. Bếp cũng tìm, thuê đội ngũ chuyên nghiệp đứng bếp để đảm bảo các suất cơm đủ dinh dưỡng”, chị Nhung nói.

{keywords}
Bếp đỏ lửa từ sáng sớm tinh mơ đến 20h tối mỗi ngày.

Các nhân viên của bếp ăn Từ Tâm cũng được ban điều hành chăm lo sức khỏe, đảm bảo an toàn khi phải làm việc trong tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Các nhân viên luôn tuân thủ quy tắc 5K. Ngoài ra, cứ sau 3 ngày, những người này sẽ được đi xét nghiệm Covid-19 một lần. “Việc lấy mẫu xét nghiệm liên tục cũng khiến nhiều người gặp khó khăn. Tuy nhiên, các nhân viên của bếp luôn vui vẻ chấp hành. Hơn thế, chúng tôi cũng đăng ký cho nhân viên của bếp tiêm phòng Covid-19 để mọi người an tâm trong việc nấu cơm hỗ trợ cộng đồng”, chị Nhung chia sẻ.

Bếp ăn chống dịch tại thành phố và những cây cầu mới ở vùng quê

Sau khi nấu xong, các phần cơm, canh được đóng vào hộp hợp vệ sinh đợi người đến nhận đi phân bổ cho các khu vực tại thành phố.

Hiện, mỗi ngày bếp cơm hỗ trợ Bệnh viện Nhi Đồng 1.300 phần; khu vực phong tỏa phường Tân Phú (TP.Thủ Đức) 1.000 phần; Bệnh viện Thủ Đức 300 phần.

Ngoài ra, bếp cũng hỗ trợ các phường: Linh Trung, Linh Xuân, Trường Thọ (TP.Thủ Đức) 650 phần; khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM 450 phần; lực lượng công an, dân quân, tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch 150 phần; Trung tâm y tế Dĩ An (Bình Dương) 400 phần; Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM 300 phần.

Bà Nguyễn Kim Thúy, một trong những người sáng lập nhóm thiện nguyện Từ Tâm cho biết, hoạt động chính của nhóm là xây cầu dân sinh. Tuy nhiên, do dịch bệnh, hoạt động này bị ảnh hưởng khá nhiều.

Mặc dù vậy, trong thời gian qua, nhóm vẫn tiếp tục triển khai xây dựng một số cây cầu mới ở một số địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trước mùa mưa bão gần kề.

{keywords}
Nhiều hôm, các nhân viên bếp ăn phải dậy từ 1h sáng để nhận thực phẩm.

Chia sẻ về bếp ăn Từ Tâm, bà Thúy cho biết, khi TP.HCM bùng phát dịch bệnh, bên cạnh hoạt động xây cầu, nhóm đã phát triển nhiều chương trình thiện nguyện trong đó có hoạt động thành lập bếp ăn từ thiện.

Theo bà, để có thể vận hành được bếp ăn với công suất và quy mô lớn như hiện nay, ngoài sự đóng góp của các thành viên trong nhóm thiện nguyện Từ Tâm, bếp cơm còn có sự hỗ trợ rất lớn cả về vật chất, tinh thần lẫn công sức của nhiều người. Trong số đó không thể không kể đến công đức của Đại Đức Thích Minh Đạo, quỹ từ thiện Nguyễn Gia Thảo, CLB Ama - Rotary Nhật Bản, anh Đặng Quốc Dũng, gia đình TP Group, chị Vũ Thị Hà, anh Phạm Minh...

Bà Thúy cũng thông tin, đến thời điểm hiện tại, bếp ăn đã vận động được trên 1 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm và Phật tử chùa Nam Thiên Nhất Trụ. Ngoài ra, bếp ăn cũng được mạnh thường quân hỗ trợ nhiều thực phẩm chất lượng cao.

{keywords}
Các suất cơm được bếp ăn gửi đến người dân tại các khu cách ly.

Hiện tại, tâm nguyện lớn nhất của nhóm Từ Tâm là mong cho dịch bệnh tại TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung sớm qua đi, để người dân quay trở về với cuộc sống bình thường mới. Khi đó, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện những hành trình thiện nguyện, mang yêu thương kết nối và lan tỏa trên mọi miền Tổ quốc.

Nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa

Thành lập từ tháng 3/2018, hoạt động chính của nhóm thiện nguyện Từ Tâm là xây cầu dân sinh. Đến tháng 7/2021, nhóm đã khởi công xây dựng 108 cây cầu với tổng trị giá gần 30 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến nay, nhóm đã trao 1.160 suất học bổng, trị giá 548,5 triệu đồng cho các em học sinh nghèo vượt khó ở nhiều tỉnh thành. Ngoài ra, nhóm xây dựng mới và trao tặng nhiều trang thiết bị trường học cho 4 trường mầm non ở các tỉnh vùng núi Phía Bắc trong chương trình Mang yêu thương lên bảng làng Tây Bắc.

Nhóm cũng thực hiện các hoạt động nhân đạo khác như: tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo; tặng trang thiết bị y tế cho phòng khám từ thiện; Xây dựng sân bóng đá mini làng Trẻ em SOS Thái Bình; Cứu trợ lũ lụt tỉnh Thanh Hóa (2019); Lũ lụt miền Trung (2020), hạn mặn miền Tây (2020); Xây nhà tình thương, trao tặng bò giống…

Nguyễn Sơn

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ca sĩ gửi gạo, nhà chùa nấu cơm cùng Sài Gòn vượt đại dịch

Ca sĩ gửi gạo, nhà chùa nấu cơm cùng Sài Gòn vượt đại dịch

Bắt đầu từ 3h sáng đến 23h đêm mỗi ngày, tăng, ni, phật tử, người dân… tất bật chuẩn bị 6000 phần cơm gửi đến người nghèo, y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM.