TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ cho biết, hiện lượng máu tiếp nhận của cả nước mới đạt khoảng 1,3 triệu đơn vị, đáp ứng 70% nhu cầu cấp cứu, điều trị.
Tuy nhiên, do có tới 45% lượng máu hiến từ học sinh, sinh viên nên vào những dịp hè, trước và sau Tết Nguyên Đán thường xảy ra thiếu máu trầm trọng do học sinh ôn thi, nghỉ Tết.
Nhiều cơ sở y tế đang thiếu trầm trọng nhóm máu O và A
Hiện tại, đang là thời điểm thiếu máu trầm trọng nhất năm, hàng loạt cơ sở y tế đang đặc biệt khan hiếm 2 nhóm máu A và O (chiếm khoảng 65% trong tổng số 4 nhóm máu chính).
Trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, cả nước cần tới 300.000 đơn vị máu, tuy nhiên theo kế hoạch, lượng tiếp nhận nhiều nhất chỉ được khoảng 200.000 đơn vị.
Riêng tại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, dự kiến dịp Tết cần tới 80.000 đơn vị máu để phục vụ cho 170 bệnh viện khu vực phía Bắc, trong đó 2 nhóm A và O cần tới 50.000 đơn vị nhưng tổng 4 nhóm máu theo kế hoạch dự tính chỉ được khoảng 60.000 đơn vị.
Theo TS Khánh, trong suốt 25 năm qua, lượng máu tiếp nhận hàng năm đều tăng, từ 3.500 đơn vị năm 1994 với 10% người hiến máu tình nguyện, đến nay lượng máu hiến tình nguyện đã chiếm trên 98%.
Tuy nhiên, để có đủ máu cho các cơ sở y tế, phải dựa nhiều vào các chương trình vận động hiến máu. Tỉ lệ tham gia hiến máu của Việt Nam mới đạt trên 1,5% dân số, theo tính toán, con số này phải đạt hơn 2% dân số mới đủ lượng máu điều trị nhưng sẽ còn cần rất nhiều năm nữa trong khi tỉ lệ người hiến máu nhắc lại tại Việt Nam còn thấp, chiếm hơn 50%.
Thúy Hạnh
Hiến máu tình nguyện sao bệnh nhân vẫn phải mua máu?
Viện trưởng Huyết học - Truyền máu TƯ cho biết, để có được 1 đơn vị máu cần tổng chi phí hơn 2 triệu đồng, trong khi BHYT và bệnh nhân chỉ phải trả khoảng 700.000 đồng.