Theo trang Oddity Central, máu Rh-null đang được “săn lùng” để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và truyền máu cứu người. Được ví quý như vàng nhưng bản thân những người mang nhóm máu này đều phải đối mặt với sự nguy hiểm chính vì yếu tố khan hiếm của nó.
Hình ảnh so sánh giữa một tế bào hồng cầu bình thường và một tế bào hồng cầu của người nhóm máu Rh-null. Ảnh: Blood Journal |
Để hiểu về máu “vàng”, chúng ta cần phải hiểu rõ cách thức các nhóm máu hoạt động. Máu người có thể trông giống hệt nhau, ai cũng như ai, song chúng thực chất lại rất khác biệt. Trên bề mặt mỗi tế bào hồng cầu của chúng ta có tới 342 kháng nguyên - các phân tử kích hoạt việc sản xuất một số protein chuyên biệt gọi là kháng thể - và nhóm máu của một người được xác định dựa trên những kháng nguyên mà họ không có.
Gần 160 loại kháng nguyên được xem là thông thường, đồng nghĩa với việc chúng được tìm thấy trong hồng cầu của phần lớn con người trên Trái đất. Nếu ai đó bị thiếu một kháng nguyên được tìm thấy trong 99% dân số Trái đất thì máu của họ được xem là hiếm. Còn nếu họ bị thiếu một kháng nguyên mà 99,99% dân số đều có thì máu của họ là cực hiếm.
342 kháng nguyên được biết đến thuộc về 35 hệ thống nhóm máu, trong đó Rh là hệ lớn nhất với 61 kháng nguyên. Không hiếm người bị thiếu một trong những kháng nguyên đó. Ví dụ, gần 15% người Caucasia bị thiếu kháng nguyên D – loại kháng nguyên quan trọng nhất của Rh, khiến họ mang nhóm máu RhD âm. Ngược lại, nhóm máu Rh âm lại ít gặp ở người châu Á (chỉ 0,3% dân số). Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu một người bị thiếu tất cả 61 kháng nguyên Rh?
Cho đến tận nửa thế kỷ trước, các bác sĩ vẫn tin rằng một phôi thai như vậy không thể sống trong tử cung chứ đừng nói là phát triển thành người khỏe mạnh, bình thường. Tuy nhiên, năm 1961, một phụ nữ Autraslia bản địa được xác định mang nhóm máu Rh-null, đồng nghĩa với việc cô thiếu toàn bộ kháng nguyên trong hệ máu Rh. Và bao năm qua, mới chỉ có 43 người được xác định mang nhóm máu Rh-null.
Rh-null được gọi là máu “vàng” vì hai lý do. Lý do quan trọng nhất là thiếu hoàn toàn kháng nguyên Rh, nó có thể truyền cho bất kỳ người nào có nhóm máu hiếm trong hệ Rh. Tiềm năng cứu sống người của nó là rất lớn, đến nỗi mặc dù mọi đơn vị máu hiến tặng cho ngân hàng máu đều khuyết danh nhưng các nhà khoa học vẫn thường lần ra bằng được người hiến để ngỏ lời mời họ hiến thêm máu. Tuy nhiên, bởi vì nó quá hiếm và gần như không thể thay thế, máu “vàng” chỉ được truyền cho những ca bệnh hiểm nghèo nhất.
Máu “vàng” cũng giữ giá trị khoa học vô cùng to lớn khi nó có thể giúp các nhà nghiên cứu giải mã những bí ẩn của vai trò sinh lý học trong hệ máu Rh phức tạp.
Máu Rh-null có thể truyền cho bất kỳ ai mang nhóm máu Rh âm - đó chính là lý do tại sao giới khoa học lại miêu tả mỗi giọt máu này quý tương đương với một giọt vàng lỏng. Thế nhưng, sẽ ra sao nếu người nhóm máu Rh-null cần phải truyền máu? Đó là một vấn đề lớn vì họ chỉ có thể nhận duy nhất loại máu Rh-null. Nếu họ tiếp máu của người nào có chứa 1 trong số 61 kháng nguyên Rh mà họ không có, các kháng thể của họ ngay lập tức sẽ phản ứng với những tế bào máu không tương thích, gây ra phản ứng nguy hiểm chết người trong hệ miễn dịch.
Năm 2014, tờ The Atlantic đã viết về trường hợp của ông Thomas, một trong số 43 người nhóm máu Rh-null, cùng những biện pháp đề phòng mà ông tuân thủ suốt cuộc đời để tránh rơi vào tình huống buộc phải tiếp máu. Khi còn nhỏ, bố mẹ ông không cho ông đi trại hè vì lo con mình có thể gặp tai nạn. Và khi trưởng thành, ông luôn lái xe cẩn trọng cũng như không bao giờ đến những quốc gia thiếu cơ sở y tế hiện đại. Ông cũng mang theo bên mình một tấm thẻ đặc biệt ghi chú nhóm máu siêu hiếm của ông, trong trường hợp ông phải nhập viện.
Theo Baotintuc