Vừa qua, Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Vụ Thư viện - Bộ VHTT&DL tổ chức cuộc thi Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương - cuộc thi nhằm tạo nên một sân chơi và là diễn đàn cho người khiếm thị, gia đình khiếm thị trao đổi những kinh nghiệm khuyến đọc, phát triển văn hoá đọc. Trong một thời gian ngắn, BTC cuộc thi đã nhận được các bài dự thi từ nhiều vùng miền khác nhau của tổ quốc.
Một trong những người gửi bài dự thi sớm nhất là Nguyễn Văn Hoàng - sinh ra trong gia đình có bố cũng khiếm thị ở Huyện Gia Lâm, Hà Nội. 27 tuổi, Hoàng vẫn đang là sinh viên khoa Xã hội học ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân Văn - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tuy không có khả năng nhìn nhưng người khiếm thị vẫn có nhu cầu tiếp cận tri thức, văn hóa, được cập nhật những tri thức mới. |
"Việc đọc sách giúp con người mở rộng hiểu biết, nuôi dưỡng tâm hồn và hoàn thiện bản thân bởi sách là nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại. Và điều tất nhiên để có tri thức thì mỗi người cần không ngừng rèn luyện thói quen đọc sách.
Hoạt động cùng nhau đọc sách trong gia đình tạo không gian gần gũi, góp phần gắn kết các thành viên và các thành viên có thể chia sẻ với nhau những điều hay mà nguồn tri thức từ sách mang lại. Mỗi cuốn sách đều mang trong mình tâm huyết của tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Đọc sách nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của con người, sách là tài sản quý giá thật xứng đáng là người thầy, người bạn tin cậy.
Hình thành thói quen đọc sách của mỗi thành viên trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ, làm giàu thêm vốn tri thức, hoàn thiện nhân cách. Bởi vậy, đọc sách sẽ giúp con người hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống", Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.
Nguyễn Văn Hoàng đặt câu hỏi: Rất nhiều người cho rằng, người khiếm thị không cần đọc sách, liệu rằng điều ấy có đúng hay không? và cậu tự trả lời rằng: "Người khiếm thị có thể thành công, thành công hơn bất kỳ ai, có thể hạnh phúc và hạnh phúc hơn bất kỳ ai. Và việc đọc sách, nghe sách nói là vô cùng cần thiết để tích lũy tri thức, để chứng tỏ bản thân và để hạnh phúc".
Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ, với người khiếm thị, do gặp vấn đề về thị lực, khó khăn trong điều kiện sống nên khả năng tiếp cận thông tin, sách báo của người khiếm thị rất hạn chế. Người khiếm thị chỉ có thể tiếp cận được một số tài liệu nhất định như sách chữ nổi, sách nói hoặc dùng một số phần mềm đọc màn hình để đọc tài liệu bản word.
"Người khiếm thị chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, tuy không có khả năng nhìn nhưng người khiếm thị vẫn có nhu cầu tiếp cận tri thức, văn hóa, được cập nhật những tri thức mới. Mặc dù hiện nay đã có hệ thống chữ nổi dành cho người khiếm thị nhưng chi phí in ấn tài liệu bằng chữ nổi rất tốn kém, cũng như để chuyển hóa tất cả các nguồn tri thức sang dạng chữ nổi là một điều khó có thể thực hiện được.
Hoạt động cùng nhau đọc sách đối với gia đình của người khiếm thị có vai trò đặc biệt quan trọng - là nguồn để người khiếm thị tiếp cận thông tin, sách báo. Được tiếp cận với sách góp phần bồi đắp tri thức, hoàn thiện nhận cách, giúp người khiếm thị xóa bỏ mặc cảm, tự ti. Có tri thức người khiếm thị sẽ tự tin hơn, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm và được hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Bởi vì, sách nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn và sách là ánh sáng tri thức của người khiếm thị", Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.
Chính vì thế, khi biết về cuộc thi Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương đã thôi thúc Hoàng tìm hiểu và tham gia. Qua kênh Cùng bạn đọc sách do Vụ Thư viện mở ra, Hoàng đã tiếp cận được nhiều điều mà lâu nay, những người khiếm thị như em chưa có cơ hội biết tới.
Hoàng đã nghe đi nghe lại clip giới thiệu cuốn sách Không gục ngã của nhà văn Nguyễn Bích Lan - một người mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ nhưng bằng nghị lực đã vượt lên số phận.
"Những cảm nhận của độc giả và chia sẻ của nhà văn Nguyễn Bích Lan đã làm em thật sự xúc động. Nguyễn Bích Lan cái tên thật đẹp mà hành trình vượt lên số phận của chị khiến bao người phải cúi đầu thán phục. Căn bệnh loạn dưỡng cơ dường như đã lấy hết đi sức khỏe thể chất của chị nhưng với sức mạnh của ý chí chị đã kiên cường vượt qua khó khăn để tự học, tự dạy Tiếng Anh, dịch những cuốn sách và tự học để trở thành nhà văn.
Câu chuyện thần kỳ vượt lên số phận của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan đã thắp lên niềm tin hy vọng cho những số phận không may mắn về ngày mai tươi sáng. Hành trình vượt lên số phận của chị đã truyền cảm hứng cho em là một người khiếm thị có thêm động lực để tự không ngừng học hỏi vươn tới ánh sáng của tri thức", Hoàng chia sẻ.
Hoàng nhận ra, mất đi thị giác là điều thiệt thòi hơn người khác nhưng Hoàng có sức khỏe, đó là điều cậu hơn Bích Lan. Bởi vậy, Hoàng tin rằng cậu có thể làm được những điều có ích, có thể sống hạnh phúc và thành công trên con đường mình đã chọn.
"Có lẽ câu chuyện của chị Bích Lan sẽ mãi là điểm tựa để mỗi khi vấp ngã, mỗi khi thấy nản lòng em có thể mạnh mẽ đứng lên bước tiếp", Hoàng chia sẻ.
Tình Lê
Ái Phương tìm hạnh phúc, năng lượng tích cực qua những cuốn sách
Nữ ca sĩ, diễn viên Ái Phương chia sẻ, cô tiếc và ước gì mình nên bắt đầu thói quen đọc sách từ sớm hơn nữa.