“Những người trở thành giáo viên hay bác sĩ có vẻ đều hạnh phúc” – tác giả Deborah Copaken của tờ The Atlantic, một cựu sinh viên Harvard đã nhận ra điều đó sau buổi họp lớp 30 năm sau khi ra trường.

Bà chia sẻ, mặc dù tất cả đều tốt nghiệp Harvard, và cái tên này dường như là chìa khoá để mở mọi cánh cửa với họ, thì vào cuối ngày – hay sau 30 năm kể từ khi ra trường, điều thú vị nhất trong cuộc tái ngộ đầy tính đa dạng này mà bà nhận ra là: bất kể nền tảng học vấn, thu nhập, màu da, tôn giáo, vấn đề sức khoẻ, sự nghiệp hay tình trạng hôn nhân của bạn như thế nào thì những vấn đề chung trong cuộc sống của mỗi người ít có liên quan đến việc học Harvard, mà liên quan nhiều hơn tới những vấn đề cấp thiết của con người.

{keywords}
Những vấn đề chung trong cuộc sống của mỗi người ít có liên quan đến việc học Harvard, mà liên quan nhiều hơn tới những vấn đề cấp thiết của con người

Bà Copaken cho biết đây không phải là một danh sách đầy đủ, nhưng là những sự thật đơn giản mà bà nhận ra sau buổi họp lớp của các cựu sinh viên Harvard niên khoá 1988 – 30 năm sau khi ra trường:

1. Chẳng có ai có cuộc sống giống như dự đoán, thậm chí là với cả những người lên kế hoạch tích cực nhất.

2. Những người trở thành giáo viên hay bác sĩ có vẻ hạnh phúc với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.

3. Nhiều bạn là luật sư có vẻ không hạnh phúc hoặc nóng lòng muốn thay đổi, trừ những người là giáo sư ngành luật.

4. Hầu như tất cả những bạn là chủ ngân hàng hay quản lý quỹ đều muốn tìm một cách khác để trao đi số tài sản của mình (một số có kế hoạch cụ thể, một số thì không). Tại thời điểm này, nhiều người có vẻ muốn rời Phố Wall càng sớm càng tốt để theo đuổi thứ gì đó liên quan đến nghệ thuật.

5. Nói đến nghệ thuật, những người chọn sự nghiệp này hầu như đều hạnh phúc và thường thành công, nhưng theo cách nào đó, họ đều gặp khó khăn về tài chính.

6. Người ta nói rằng tiền bạc không thể mua được hạnh phúc, nhưng trong cuộc khảo sát online của lớp tôi trước khi diễn ra buổi họp lớp, những người giàu có hơn đều tự khai có mức độ hạnh phúc cao hơn những người còn lại.

7. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi, còn trên cả tình dục và tiền bạc, là được ngủ nhiều hơn.

8. Những tân sinh viên nhút nhát nhất lớp hồi ấy giờ đều trở thành những người “đầu trò” trong lớp, và họ là những người giúp tổ chức buổi họp lớp này.

9. Những người chọn ly hôn dường như hạnh phúc hơn sau khi ly hôn.

10. Những người có cuộc ly hôn không mong muốn thì cũng không hạnh phúc sau ly hôn.

11. Nhiều bạn có những cuộc hôn nhân kéo dài nói rằng họ đã trải qua một bước ngoặt. Đó là khi cuộc hôn nhân ban đầu chuyển thành một mối quan hệ trưởng thành. “Em đã làm tốt nhất có thể” – một bạn cùng lớp đã kể với tôi rằng cô ấy đã nói với chồng như vậy trong buổi trị liệu hôn nhân căng thẳng nhất. Từ thời điểm đó, cô ấy nói, anh chồng đã hiểu rằng: Sự không hoàn hảo của cô không phải là sự xúc phạm với anh. Sự không hoàn hảo ấy làm nên con người cô ấy. Đôi khi người ta quên mất điều đó trong một cuộc hôn nhân kéo dài.

12. Hầu như tất cả đều nói rằng họ cảm thấy xấu hổ về con người lúc trẻ của mình, đặc biệt là về cách mà họ đánh giá người khác.

13. Hầu như tất cả những người có gia đình đều để bạn đời của mình ở nhà trong buổi họp lớp này.

14. Dù chúng tôi đang là ai – một nghị sĩ, một giám đốc doanh nghiệp hay một phi hành gia, thì vào cuối ngày, hầu hết các cuộc trò chuyện trong nhiều bữa tiệc đều tập trung vào khát khao yêu thương, sự thoải mái, sự kích thích trí tuệ, một môi trường bền vững, tình bạn và sự ổn định.

15. Hầu hết những người có con đều hài lòng với quyết định của mình. Một số không có con vẫn vui vẻ, hạnh phúc; một số khác thì buồn phiền vì không có con.

16. Việc thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ giá cả phải chăng và chế độ nghỉ thai sản có lương khiến nhiều bạn cùng lớp tôi lao đao. Hầu hết họ là nữ.

17. Ở tuổi 50, người ta dường như đều cảm thấy cần phải nói ra sự thật và những lời cảm ơn tới người khác trước khi quá muộn. Một người bạn đã nói cảm ơn tôi về một chuyện đã xảy ra vào năm 1984.

18. Những người từng mất con học được cách tự vượt qua. “Đừng buồn vì những năm tháng con bé không được sống” – một người bạn của tôi đã nói như thế trong lễ tưởng nhớ con gái cô – một sinh viên Harvard niên khoá 2019 đã qua đời vào mùa hè năm ngoái. “Thay vào đó, hãy thấy biết ơn vì 21 năm con bé đã toả sáng”.

19. Những người đã từng trải qua gian đoạn cận tử - hoặc vẫn đang đối mặt với nó – dường như vui nhất khi được gặp lại bạn cũ. “Chúng ta vẫn còn ở đây với nhau” – tôi nói với một người bạn từng điều hành một công ty sức khoẻ sau đó mắc bệnh ung thư. Chúng tôi cười khúc khích với nhau, ham chơi như những đứa trẻ, không ngừng ôm nhau và cười khi kể lại những kỷ niệm.

20. Tình yêu thương không phải là tất cả mọi thứ mà bạn cần, nhưng như một người bạn đã nói với tôi “nó rất có ích”.

Nguyễn Thảo (Theo The Atlantic)