- Chuyện cậu bé Hào Anh bị công an bắt khi cạy cửa vào nhà người dân trộm máy vi tính một lần nữa làm dư luận dậy sóng. Nhiều ý kiến cho rằng, mọi người đã cho em quá nhiều về vật chất mà không cho em sự giáo dục khiến em bị hư hỏng như ngày hôm nay.

Chuyện của Hào Anh

Năm 2010, cậu bé Hào Anh (quê Cà Mau) được phát hiện và giải thoát khỏi sự bạo hành của chủ trại nuôi tôm nơi cậu làm thuê với thương tích gần 70%. Trước đó, cậu bé 14 tuổi nhiều lần bị ông bà chủ bạo hành bằng nhiều hình thức như dùng kìm kẹp môi, dùng đũa than nóng chích vào người, ép uống nước tiểu,...

Hào Anh được đưa đi chữa các vết thương, được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau để chăm sóc. Cậu bé được các nhà hảo tâm ủng hộ gần 800 triệu đồng. Năm 2014, khi đủ 18 tuổi, Hào Anh được trao trả toàn bộ số tiền này.

Tháng 5/2014, Hào Anh rút tiền mua đất, xây dựng nhà cấp 4 hết khoảng 600 triệu đồng. Số tiền còn lại không bao lâu sau đã bị thanh niên này nướng vào việc mua xe, điện thoại đắt tiền và những cuộc ăn chơi thâu đêm.

{keywords}
Hào Anh và những vết thương trên người.

Bà Thoa, mẹ Hào Anh cho báo chí biết, chỉ chưa đầy 1 năm, cậu đã mua 4 xe máy và “đập” gần chục chiếc iPhone. Cậu thường xuyên xin tiền mẹ đi chơi. Đỉnh điểm là ngày 30/8/2014, xin tiền mẹ đi chơi nhưng không được vì buổi sáng bà Thoa đã đưa cho Hào Anh 120 nghìn đồng nên không có nữa, Hào Anh đã đá vỡ hai cây quạt bàn, chửi bới mẹ ruột và cha dượng rồi đuổi hai người ra khỏi nhà.

Ngày 16/5, Hào Anh bị công an huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) bắt khi cạy cửa vào nhà một người dân ở huyện Đơn Dương trộm bộ máy vi tính. Năm 2013 cậu cũng bị tình nghi trộm tài sản.

Thời gian đầu về sống với gia đình, Hào Anh theo cha dượng làm thợ mộc và phụ bán cà phê ở Đầm Dơi, đầu năm 2013, cậu xin làm bốc vác cho một công ty lương thực với lương công nhật 100.000-130.000 đồng. Hào Anh cũng từng theo học nghề cắt tóc, và có lần cậu cũng bày tỏ ước muốn lên Sài Gòn học nấu ăn. Hào Anh bị bắt khi đang đi làm thuê ở Lâm Đồng

Bài học đau lòng từ việc làm từ thiện

Câu chuyện Hào Anh ăn cắp trước đây khiến nhiều người hoài nghi dù em đã được minh oan. Đến chuyện Hào Anh đập phá đồ đạc, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà khiến dư luận ngỡ ngàng và tổn thương. Ngỡ ngàng vì khả năng "đốt tiền" của một cậu bé 18 tuổi. Nhiều người bị tổn thương vì số tiền họ bỏ ra, gửi gắm cả bao nhiêu tình thương tới cậu đã không được sử dụng một cách xứng đáng.

Đến khi Hào Anh bị bắt vì ăn cắp, một bạn đọc thốt lên: "Tôi đã từng rất xúc động khi thấy Hào Anh bị đánh đập dã man và rất mừng khi biết Hào Anh được cả xã hội quan tâm đến, nhưng có lẽ tình thương của chúng ta đã đặt nhầm chỗ mất rồi".

{keywords}
Hào Anh.

Làm từ thiện - chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là một hành động đẹp, cần khuyến khích trong bất cứ xã hội nào để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng giúp bằng cách nào lại là cả một vấn đề. Giúp đỡ bằng tiền mặt - vật chất, có thể giải quyết nhanh vấn đề nhưng lại không giải quyết được những vấn đề trong tương lai, cái mà đối tượng cần hơn.

Nhiều người cho rằng, giúp đỡ Hào Anh một số tiền lớn, nhưng không ai dạy em cách tiêu tiền khiến cậu bé có tư tưởng hưởng thụ để bù đắp cho những ngày tháng thiếu thốn khó khăn. Hào Anh đã nhanh chóng tiêu hết số tiền mình được hưởng và vẫn chưa có một nghề gì ra hồn trong tay. Cậu vẫn thường xuyên phải ngửa tay xin tiền mẹ, và khi túng thiếu thì đi ăn cắp để rồi bị bắt giam.

Cái mà Hào Anh cần là sự chữa trị những tổn thương về tâm lý, được giáo dục, định hướng để vào đời thì lại không có. Theo TS Khuất Thị Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, quá trình hỗ trợ các trường hợp bị tổn thương về tâm lý như Hào Anh cần có quá trình dài, đủ để nhân vật được hỗ trợ ổn định cả thể chất và tâm lý. Ngoài ra, không phải chỉ hỗ trợ bằng tiền, các cơ quan chức năng cần phải hỗ trợ về phương kế sinh nhai, công việc để ổn định tương lai lâu dài…

TS Khuất Thu Hồng phát biểu trên zing.vn: “Chúng ta đã giúp đỡ Hào Anh nhưng không tới nơi tới chốn. Nhiều đứa trẻ mới lớn, bình thường nếu không có công ăn việc làm, không được định hướng đúng còn dễ dính vào tệ nạn xã hội nữa là Hào Anh đã từng sống trong môi trường bạo lực, bị sang chấn tâm lý và không được học hành. Đáng ra cậu bé phải được quan tâm nhiều hơn về mặt tâm lý, tinh thần chứ không phải vật chất như vậy”.

“Các nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất, họ không có lỗi. Trách nhiệm còn lại thuộc về các cơ quan chức năng. Đáng ra, các cơ quan này cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp về giáo dục, việc làm, giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý… Cần có hình thức hỗ trợ lâu dài chứ không phải đưa một cục tiền cho nạn nhân rồi muốn làm gì thì làm”, bà Hồng nói.

An Bình