- Việc học sinh sử dụng mạng xã hội để nói xấu, thậm chí đánh nhau quay lại để đưa lên facebook nhằm mục đích bôi nhọ nhau... là một trong những điều làm cho phụ huynh, giáo viên như tôi cảm thấy rất xấu hổ.
Mạng Internet mà một công cụ sắc bén như con dao hai lưỡi đối với rất nhiều đối tượng người dùng, trong đó có phần lớn là của các em học sinh.
Trong xã hội hiện nay, nhu cầu sử dụng cũng như những tiến bộ trong công nghệ thông tin góp phần rất lớn cho việc trao đổi, học tập của các em. Một học sinh có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi tìm tòi , trao đổi thông tin cho nhau qua mạng. Tuy nhiên mạng xã hội luôn luôn có hai mặt tốt và xấu.
Một mặt, nó là nơi để các em học sinh trao đổi bài vở trong các nhóm hoặc facebook của lớp, trường, và giáo viên nếu thông báo lịch học, lịch thi, bồi dưỡng…thì thông tin đến các em rất nhanh.
Đồng thời khi sử dụng mạng xã hội nó có thể giúp các em bộc lộ cái tôi lý tưởng, được thể hiện bản thân, giúp trẻ bộc lộ tính cách, những nội tâm dồn nén, tạo được những hình tượng hoàn hảo.
Tuy nhiên mặt khác theo tôi mạng xã hội, facebook khiến trẻ giảm thời gian vận động, hạn chế khả năng phát triển cảm xúc, quan hệ xã hội và sự tập trung, hay cáu gắt, bực bội.
Các em học sinh đang tuổi nhỏ, dùng facebook, mê facebook đến nỗi quên ăn, quên ngủ, thậm chí quên cả bài vở chỉ vì mải mê chém gió một vấn đề vô bổ nào đó.
Mạng internet mà một công cụ sắc bén như con dao hai lưỡi đối với rất nhiều đối tượng người dùng. Ảnh minh họa |
Nhiều học sinh hư hỏng đạo đức, lối sống cũng do bị ảnh hưởng từ trên mạng xã hội rất nhiều. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Tôi nhận thấy một điều rằng khi một học sinh sống với thế giới ảo nhiều hơn với thực tế thì các em cũng sẽ ít giao lưu với bạn bè hơn. Dường như có lúc tôi cảm nhận thấy giữa các học sinh thiếu đi sự đoàn kết, thiếu đi sự quan tâm nhau.
Rất nhiều học sinh bị kỷ luật, đuổi học cũng do những hành động bột phát, hay mâu thuẫn nhau và dẫn tới đánh nhau.
Theo tôi, các em dùng mạng xã hội nên nhất thiết phải có những danh sách hạn chế dành cho các lứa tuổi nhất định bằng các quy định cụ thể. Chúng ta không thể cấm học sinh sử dụng vì nhiều trường hợp bản thân bố mẹ là người lập ra facebook cho con mình nhưng lại chưa lường hết tác hại của nó.
Với giáo viên nên có các lớp tập huấn cụ thể hoặc đưa chèn các tiết dạy cách sử dụng mạng internet làm thế nào đúng và hiệu quả cho học sinh. Trong cách làm này nên có những bài viết cụ thể để giáo viên gửi cho phụ huynh đọc tác hại của việc sử dụng facebook đối với con em mình.
Trong các buổi họp phụ huynh cũng nên đưa vấn đề này ra để lấy ý kiến và cùng hợp tác với nhau nhằm có cách quản lý các em tốt nhất.
Các bậc phụ huynh nên hạn chế cho con sử dụng máy tính, ipad, điện thoại. Nhiều phụ huynh hiện nay có thể có thời gian đi chơi với bạn bè nhưng không dành thời gian quan tâm, sát con cái trong những dịp ngoài giờ học ở trường.
Tôi từng dạy ngoài giờ cho một số gia đình, tôi thấy nhiều gia đình họ rất quan tâm con cái trong việc sử dụng mạng xã hội.
Điển hình như một phụ huynh gốc Hà Thành mà tôi từng tiếp xúc mới đây thì họ có cách giáo dục con khác biệt. Họ có hai con trai, 1 con lớp 7, 1 con năm nay lên lớp 3. Họ không dạy con các trò chơi điện tử mà thay vào đó là dạy con trai lớn nấu những món ăn ngon, làm nước hoa quả cho cả gia đình, cho đi học bơi... Để giải trí, họ cho con dùng ipad theo giờ và có mã khóa chỉ mình mẹ biết. Hai con trai của họ rất ngoan, học giỏi, tự giác giúp bố mẹ làm việc nhà.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên giúp con xây dựng và quản lý kế hoạch cuộc đời. Trao đổi và hướng dẫn con định hướng kế hoạch cho cuộc đời dựa trên những thế mạnh, hứng thú, tiềm năng của con.
Hướng dẫn kỹ năng, cách biết tận dụng những trang mạng có ích cho vấn đề học tập. Nên cho con tham gia các hoạt động vui chơi giải trí bên ngoài như đá bóng, học hát, học nhạc, đi bơi…để con dùng mạng facebook, điện thoại ít đi.
Nguyễn Thị Lan Anh (Giáo viên)