Bệnh lý tim mạch

Tại Hoa Kỳ, cứ 4 phụ nữ tử vong thì 1 trường hợp có nguyên nhân từ bệnh lý tim mạch. Trong đó, các yếu tố nguy cơ phổ biến bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá… Mặc dù nữ giới Việt Nam ít uống rượu bia và hút thuốc lá nhưng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch không hề ít hơn nam giới. Dẫu vậy, theo một số thống kê, chỉ 54% phụ nữ hiểu rằng sức khỏe và tính mạng của họ đang bị đe dọa bởi căn bệnh nguy hiểm này.

Ung thư vú

Ung thư vú thường bắt nguồn từ niêm mạc của ống dẫn sữa, có thể di căn sang các cơ quan khác và là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Tỷ lệ mắc ở các quốc gia phát triển lớn hơn do tuổi thọ của họ cao hơn.

Triệu chứng ban đầu của căn bệnh này thường là sờ thấy u cục bất thường ở vú. Tuy nhiên, không phải khối u nào cũng là ung thư. Điều quan trọng là bạn cần theo dõi thường xuyên và đi khám định kỳ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

{keywords}
 

Ung thư buồng trứng và cổ tử cung

Nhiều phụ nữ chưa quan tâm và phân biệt được sự khác nhau giữa ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung. Cả hai bệnh lý này đều gây ra triệu chứng đau bụng nhưng nguồn gốc của khối u không giống nhau. Ung thư cổ tử cung bắt nguồn từ phần dưới của tử cung, còn khối u ác tính ở buồng trứng xuất phát từ ống dẫn trứng.

Ngoài ra, triệu chứng của hai bệnh lý này cũng có điểm khác biệt. Ung thư cổ tử cung có thể gây tiết dịch âm đạo bất thường và đau khi quan hệ tình dục. Trong khi đó, biểu hiện của ung thư buồng trứng thường mơ hồ và tình trạng bệnh thường phức tạp. Thêm nữa, xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap test) chỉ phát hiện được ung thư cổ tử cung chứ không có giá trị sàng lọc khối u ác tính tại buồng trứng.

Bệnh lý phụ khoa

Chảy máu và tiết dịch âm đạo trong ngày hành kinh là tình trạng bình thường ở nữ giới. Mặc dù vậy, đừng chủ quan nếu bạn ra máu âm đạo ngoài kỳ kinh, dịch âm đạo có màu, mùi bất thường hoặc tiểu tiện nhiều lần trong ngày. Đây có thể là triệu chứng của các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (STDs) hoặc ung thư hệ sinh sản.

Nếu tình trạng nhiễm trùng được phát hiện sớm, khi còn ở giai đoạn nhẹ, phác đồ điều trị rất đơn giản, tiên lượng cũng khả quan. Nhưng nếu bệnh lý lây truyền qua đường tình dục không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, biến chứng vô sinh, suy thận có thể xảy ra và không thể phục hồi.

Các vấn đề sức khỏe khi mang thai

Khi mang thai, các bệnh lý sẵn có của bà mẹ (bệnh hen, đái tháo đường, trầm cảm,…) có thể trầm trọng hơn, đe dọa sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé.

Trong bệnh lý chửa ngoài tử cung, thai nhi làm tổ sai vị trí có thể gây tổn thương vòi trứng, dẫn đến hậu quả khó mang thai ở những lần tiếp theo. Bên cạnh đó, hầu hết phụ nữ mang thai có tình trạng thiếu máu, biểu hiện ở chỉ số huyết sắc tố (Hemoglobin) thấp hơn bình thường. Nguyên nhân là do cơ thể mẹ phải cung cấp dinh dưỡng và các chất cần thiết cho thai nhi sinh trưởng, phát triển.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ trong thai kỳ nên khám thai thường xuyên để được quản lý chu đáo, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vấn đề về sức khỏe.

{keywords}
 

Bệnh lý tự miễn

Khi virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, hàng rào miễn dịch sẽ tấn công và tiêu diệt chúng để bảo vệ các tế bào lành. Tuy nhiên, nếu quá trình này bị “lỗi”, hàng rào miễn dịch sẽ tấn công cả tế bào của cơ thể. Lúc này, bệnh lý tự miễn sẽ xảy ra.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nữ giới có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tự miễn hơn phái mạnh. Biểu hiện chung của nhóm bệnh lý này bao gồm: mệt mỏi kéo dài, sốt nhẹ, thất thường, đau, nổi ban trên da, chóng mặt. Nhiều kinh nghiệm dân gian cho rằng, ăn ít đường, ít chất béo và hạn chế căng thẳng giúp chống lại các bệnh lý tự miễn. Tuy nhiên, biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là phát hiện và điều trị sớm.

Trầm cảm và lo âu

Cơ thể phụ nữ thường xuyên phải trải qua sự biến động của nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, sau sinh và tiền mãn kinh. Đặc điểm này chính là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu ở nữ giới cao gấp nhiều lần nam giới.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS – Premenstrual Syndrome) rất phổ biến ở phụ nữ với biểu hiện lo âu, dễ xúc động, cáu gắt, thay đổi cảm xúc thất thường. Một rối loạn tâm thần nặng nề và nguy hiểm hơn liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt là PMDD (Premenstrual Dysmorphic Disorder).

Sau sinh, nồng độ hormone sinh dục trong cơ thể người mẹ thay đổi, dẫn đến giai đoạn biến động cảm xúc, được gọi là “baby blues”. Trầm cảm sau sinh cũng có những biểu hiện tương tự như lo lắng, buồn bã, mệt mỏi, cảm xúc thất thường nhưng nghiêm trọng và kéo dài hơn. Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển giao quan trọng ở độ tuổi 45 - 50 của người phụ nữ. Lúc này, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu cũng tăng cao, có thể cần điều trị bằng liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc.

Theo các chuyên gia, nữ giới có thể giảm thiểu nguy cơ mắc 8 bệnh lý phổ biến trên bằng cách xây dựng những thói quen lành mạnh như dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ;  tập luyện thể chất thường xuyên. Bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm/ lần để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe.

{keywords}
Xét nghiệm gen để xác định nguy cơ sức khỏe cũng là biện pháp phòng ngừa bệnh tật hữu ích

Ngoài ra, xét nghiệm gen để xác định nguy cơ sức khỏe của bản thân cũng là biện pháp phòng ngừa bệnh tật hữu ích. Bộ gen của mỗi người khác nhau và là yếu tố quan trọng quy định khả năng hấp thu dinh dưỡng, vận động, nguy cơ mắc bệnh và tính cách của mỗi người.

Kết quả xét nghiệm gen dự báo trước các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra với bạn trong tương lai như bệnh lý tiểu đường, đột quỵ, béo phì, ung thư... Nhờ đó, bạn có thể nhận thức tốt hơn về sức khỏe của bản thân và phòng ngừa các bệnh lý phổ biến từ sớm.

Quỳnh Anh