LTS: Bất ngờ nhận được món tiền quá lớn, đa phần người trúng số độc đắc không biết cách tiêu xài dẫn đến “của thiên trả địa”. Nhiều trường hợp sau khi trúng số còn khổ hơn trước đó.
Dựa theo những sự kiện có thật, vô số câu chuyện về hậu vận của những người trúng số độc đắc được thêu dệt với nhiều biến tướng khác nhau.
Để hiểu rõ hơn, VietNamNet giới thiệu tuyến bài Hậu vận người trúng số độc đắc như một lát cắt giúp bạn đọc hiểu hơn về chuyện đời của người trong cuộc.
Kỳ 1: Trúng số hơn 5 tỷ đồng, ‘chú Mười’ hào sảng chi tiền giúp người thân
Kỳ 2: Trúng 'lộc trời' năm 15 tuổi, người đàn ông lâm cảnh bi thương
Nông dân hóa đại gia
Khoảng 10 năm trước, khu vực ấp 1 và ấp 2, xã An Nhựt Tân (nay là ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) được nhiều người biết đến với tên gọi “làng trúng số độc đắc”.
Tên gọi này xuất phát từ việc nhiều người dân sinh sống trong khu vực liên tiếp trúng số độc đắc. “Không chỉ một hai người trúng, cả ấp có đến hơn chục người trúng giải độc đắc, đổi đời nhờ vé số. Thậm chí, cá biệt có trường hợp một người trúng độc đắc nhiều lần”, ông Nguyễn Văn Cường cho biết.
Trước đây, ông Cường làm phó ấp phụ trách an ninh của khu vực ấp 1 và ấp 2, xã An Nhựt Tân cũ. Vì vậy, hơn ai hết, ông nắm rõ từng hoàn cảnh, gia đình đổi đời nhờ trúng độc đắc.
Ông Cường nhắc đến những cái tên đổi đời nhờ trúng số như: Mười “bia”, Ba Lô, Tâm, Tư “tài”, Dũng “heo”… Những người này từng có tài sản gần chục tỷ đồng nhờ nhiều lần trúng số.
Từ những nông dân chất phác, người trúng số ở làng này bỗng chốc hóa đại gia, tiêu tiền như nước. Thế nhưng, hiện tại, các trường hợp trúng số độc đắc ở địa phương đều nghèo lại hoàn nghèo và bỏ đi xứ khác làm ăn.
Ông Cường kể trước đây, khu vực chợ Nhựt Tảo, xã An Nhựt Tân cũ, tập trung nhiều người trúng độc đắc. Họ là những nông dân trong ruộng, may mắn trúng số, rồi lấy tiền mua đất ở chợ cất nhà.
Họ mua nhà mặt phố với ý định dùng số tiền trời cho để kinh doanh. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, họ lần lượt bán nhà đi biệt tích.
“Ví dụ, trường hợp của anh Đ. từng trúng độc đắc nhưng về sau trắng tay, bỏ quê lên TP.HCM làm nghề sửa xe máy. Hay như, một gia đình từng nhiều lần trúng số độc đắc, mua đất cất biệt thự ở chợ Nhựt Tảo. Vậy mà căn biệt thự bây giờ đã đổi chủ. Nghe đâu, chủ cũ nợ nần, đành bán nhà trả nợ”, ông Cường kể thêm.
Mong người dân làm ăn chân chính
Theo ông Cường, sở dĩ người trúng số độc đắc ở đây mau chóng trắng tay là do không biết cách sử dụng lộc trời. Họ chỉ quen làm nông, cho nên khi có tiền lại tập tành kinh doanh. Thiếu kinh nghiệm, chuyện thua lỗ, vỡ nợ là điều dễ hiểu.
Ông Cường cho biết: “Có người trúng số gần chục tỷ đồng, đem tiền mua đất, mở quán cà phê, phô trương thanh thế. Nhưng rồi, họ nhận lấy thất bại, kinh doanh thua lỗ. Trường hợp khác đổ tiền trời cho vào chứng khoán, đề đóm, cờ bạc… không chí thú làm ăn, lười lao động”.
Câu chuyện hậu vận đáng buồn của những người từng trúng số vẫn hiện hữu. Thế nhưng, người dân nơi đây không từ bỏ thói quen nuôi mộng đổi đời nhờ vào vé số.
Thực tế hiện nay, ấp 2 (xã Tân Bình) vẫn có tình trạng người bán vé số dùng mỹ từ “làng trúng số độc đắc” để mời gọi, chèo kéo khách.
“Mua vé số không xấu nhưng đừng quá lạm dụng, phải để dành tiền đầu tư sản xuất. Ở đây, nhiều người dám bỏ tiền trăm, tiền triệu để mua vé số mỗi ngày. Thế nên, xác suất trúng số rất cao”, ông Cường phân tích.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) cho biết: “Qua nắm lại tình hình địa phương, chúng tôi biết được thông tin những người từng trúng số độc đắc đều phá sản hoặc trốn nợ. Các trường hợp này trúng số nhưng không chịu làm ăn, càng có nhiều tiền càng ăn chơi, dẫn đến vỡ nợ”.
Cũng theo ông Phương, địa phương liên tục cảnh báo, tuyên truyền người dân chăm lo làm ăn chân chính, lộc trời không phải lúc nào cũng có. Thế nhưng, hiện tại, người dân vẫn còn tình trạng nuôi mộng trúng số. Đặc biệt, người có hoàn cảnh khó khăn càng ham trúng số.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Những người may mắn có hậu vận thảnh thơi nhờ trúng số độc đắc