Những thành tựu về xây dựng NTM đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc, cơ bản, toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội và chất lượng của cuộc sống, môi trường ở khu vực nông thôn tỉnh Phú Thọ. 

Về các xã NTM trên địa bàn tỉnh những ngày này, đâu đâu cũng thấy người nông dân bàn chuyện làm ăn, nâng cao đời sống. Có thể nói, hiệu quả của việc xây dựng NTM thể hiện rõ nhất ở sự đồng thuận, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đối với các xã về đích hay phấn đấu về đích NTM, trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, các xã đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa.

Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các tiêu chí xây dựng NTM từ đạt thấp đã dần được nâng lên và hoàn thiện, diện mạo NTM của các xã có sự chuyển biến rõ nét.

Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, Phú Thọ đã duy trì được sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã huy động được tổng nguồn lực đạt 10.760,8 tỷ đồng để xây dựng NTM.

Hạ tầng giao thông xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy) đã được trải bê tông

Bên cạnh đó, nhằm góp phần khích lệ các xã thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra, tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các xã, là động lực thúc đẩy xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, theo kế hoạch, chính sách thưởng trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh giữ nguyên mức 1 tỷ đồng/xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhưng có bổ sung đối tượng thụ hưởng là xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Tổng kinh phí dự kiến cần chi thưởng cho giai đoạn 2021 - 2025 là 75,0 tỷ đồng (trung bình khoảng 15,0 tỷ đồng/năm) sẽ được ngân sách tỉnh đảm bảo và được bố trí dự toán hằng năm. Tiền thưởng được cấp trực tiếp cho xã và được sử dụng dưới hình thức bổ sung vốn đầu tư để thanh toán trả nợ hoặc xây mới công trình phúc lợi.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM. Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất các cây con chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất” với việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng, chính sách thưởng đã giúp các xã xây dựng các mô hình sản xuất gắn với thực hiện cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển các cây con chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, ứng dụng công nghệ cao gắn với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, các hình thức liên kết sản xuất.

Bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hình thành các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Vùng sản xuất chè, vùng chăn nuôi gà, lợn công nghệ cao tại Tề Lễ, Tam Nông; dự án chăn nuôi gà giống và đẻ trứng thương phẩm tại xã Đồng Lương, Sơn Tình (huyện Cẩm Khê); dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm DABACO tại huyện Tam Nông. Bên cạnh đó, một số sản phẩm của tỉnh có thương hiệu, sức cạnh tranh, được thị trường biết đến như: Sản phẩm chè xanh Phú Hộ, Phú Thịnh; chè xanh hòa tan COZY; thịt chua Thanh Sơn; trứng gà DTK, trứng gà Hòa Phát; mỳ gạo Hùng Lô...

Toàn tỉnh hiện có 345 trang trại đạt tiêu chí đang hoạt động; hình thành trên 60 chuỗi cung ứng nông lâm sản thực phẩm an toàn; tỉ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt 20%; 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh, trong đó có 48 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt hạng 3 sao và 30 sản phẩm hạng 4 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt trên 37 triệu đồng.

Theo ghi nhận từ thực tế, chính sách thưởng NTM đã góp phần quan trọng để động viên, khơi dậy, khích lệ tinh thần thi đua phấn đấu xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, được người dân đồng tình, hưởng ứng. 

Đến ngày 31/5/2022, toàn tỉnh có 122 xã, 1.459 khu dân cư NTM (tăng thêm 42 khu so với năm 2021, trong đó có 13 khu dân cư NTM kiểu mẫu); bình quân toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã, 4 đơn vị cấp huyện (các huyện: Lâm Thao, Thanh Thủy; thị xã Phú Thọ; thành phố Việt Trì) đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đưa Phú Thọ là một trong những tỉnh đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc về kết quả xây dựng NTM.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện chính sách thưởng xây dựng NTM trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc chi thưởng một số năm còn chậm, chưa kịp thời, chưa phát huy hết tính chất động viên của việc khen thưởng; việc đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu lại chưa có chính sách thưởng, nên chưa tạo được khí thế thi đua phấn đấu để đạt chuẩn.

Kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm 2025 đó là số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt 53,8% trở lên (7 đơn vị cấp huyện); 70,9% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu đạt 20% trở lên (26 xã).

Yến Hưng