Tỷ phú đô la Trần Bá Dương

"Không bao giờ thất bại" là phương châm sống và làm việc của ông Trần Bá Dương. Cuộc đời ông từng trải qua rất nhiều thăng trầm, từng phải kinh qua nhiều công việc để kiếm sống và nghị lực vươn lên đã giúp ông đạt được những thành công quan trọng.

Từ một doanh nghiệp công nghiệp ô tô, năm 2019 THACO chính thức chuyển đổi thành Tập đoàn đa ngành, trong đó cơ khí và ô tô vẫn là chủ lực, song song phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn với chuỗi giá trị khép kín theo loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi; Hình thành nền sản xuất kinh doanh mang tính tích hợp cao với giải pháp liên doanh liên kết và tự đầu tư linh hoạt.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, THACO đã thành lập Công ty THADI, có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư đến nay là 11.000 tỷ đồng, đang sở hữu tổng diện tích đất 29.600 ha (mua lại từ Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico). Công ty đã và đang triển khai trồng cây ăn trái trên diện tích 10.000ha (gồm 5.000ha chuối) và trang trại nuôi 90.000 con bò thịt.

{keywords}
Doanh nhân Trần Bá Dương

Đồng thời, THADI chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của HAGL Agrico với diện tích cây ăn trái 26.500 ha (với chuối là 11.000ha). Dự kiến, tổng doanh thu năm 2020 khoảng 1 tỷ USD (của THADI là 600 triệu USD và HAGL Agrico ước đạt 400 triệu USD).

Tại lĩnh vực chăn nuôi, với việc hợp tác với HVG thông qua rót vốn trực tiếp (35%) đồng thời thành lập liên doanh nuôi heo giống (THADI rót 65% vốn). Trong đó, liên doanh THADI - HVG đầu tư nuôi heo giống với quy mô 45.000 trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng (tại An Giang và Bình Định).

Theo ông Trần Bá Dương, THACO đến với nông nghiệp là cái nhân duyên: nhân duyên thứ nhất là lời kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp từ phía lãnh đạo Nhà nước; nhân duyên thứ hai là việc ký kết chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai; cuối cùng, hợp tác với HVG theo ông Dương là nhân duyên thứ ba, qua đó giúp THACO thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông nghiệp Việt Nam cũng như văn hoá chia sẻ giữa các doanh nghiệp trong nước.

Đại gia mía đường Đặng Văn Thành

Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960 (Canh Tý) là một đại gia trong lĩnh vực ngân hàng và mía đường với thương hiệu Sacombank và đế chế Thành Thành Công. Thuộc thế hệ doanh nhân đời đầu sau thời kỳ đổi mới, ông Thành nhận ra nhiều cơ hội từ thị trường còn bỏ ngỏ.

Từ Chủ nhiệm HTX Tín dụng Thành Công năm 1989, ông Thành tham gia sáng lập Ngân hàng Sacombank vào 2 năm sau đó và xây dựng ngân hàng này trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần phát triển mảng bán lẻ lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.

Hưởng ứng chương trình cổ phần hoá các doanh nghiệp đường của Nhà nước vào cuối năm 1980, từ nhà thương mại, ông Thành chuyển sang sản xuất với điều kiện tiên quyết phải sở hữu vùng nguyên liệu. Năm 2007, ông Đặng Văn Thành lại đi ngược khi mua hai nhà máy đường của nhà đầu tư Pháp là Bourbon Tây Ninh và Bourbon Gia Lai.

{keywords}
Ông Đặng Văn Thành

Những biến cố sau đó, rời Sacombank, gia đình ông Thành còn lại mảng mía đường và bất động sản. Cụ thể, TTC Group sở hữu một số công ty mía đường lớn như Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ là Bourbon Tây Ninh), đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công (kinh doanh đường) và 11% vốn tại CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (sau này đổi tên là TTC Land).

Sau đó, ông Thành cùng vợ - bà Huỳnh Bích Ngọc và các con - Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Hồng Anh đã mở rộng thêm các lĩnh vực khác, như năng lượng, du lịch và giáo dục. Bà Ức My được biết đến là "công chúa mía đường" còn ông Hồng Anh là Chủ tịch sáng lập TTC Land.

Ông Đặng Văn Thành dự liệu sẽ ngừng lãnh đạo trực tiếp tập đoàn vào 2 hoặc 3 năm nữa, chuyển sang hoạch định chiến lược và thế hệ trẻ là đội ngũ thực thi.

Con trai cả Đặng Hồng Anh theo nghề địa ốc, Đặng Huỳnh Ức My phụ trách mía đường, “cậu Tư” Đặng Huỳnh Anh Tuấn đảm nhiệm mảng du lịch của tập đoàn, còn cậu út Đặng Huỳnh Thái Sơn đang du học.

Ông chủ ngân hàng và bất động sản Dương Công Minh

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trong một buổi nói chuyện, ông Minh chia sẻ: "Tôi quê ở Bắc Ninh. Tôi giữ sự nhút nhát của người nông thôn".

Ít ai biết được rằng, để có được thành công như ngày hôm nay, con đường đi của ông không hề bằng phẳng cũng chẳng có trải hoa hồng. Khởi nghiệp của ông là việc kinh doanh xoài đầu những năm 1990. Đây cũng chính là giai đoạn biệt danh "Minh Xoài" của ông Minh được hình thành.

{keywords}
Ông Dương Công Minh

"Ngày trước, tôi làm xuất nhập khẩu trái cây qua Trung Quốc, tôi xuất khẩu xoài. Bạn tôi muốn làm chung thì tôi đồng ý chia sẻ với cam kết lời cùng chia nhưng lỗ tôi chịu".

Khởi đầu với một dự án nhà ở ở TP.HCM, nhưng hiện tại Him Lam đã vươn ra thực hiện nhiều dự án đô thị lớn trên cả nước. Him Lam của ông Minh là một "ông lớn" trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác.

Bên cạnh đó, một lĩnh vực nổi bật khác của Him Lam là kinh doanh sân golf. Không dừng lại, Him Lam đã lấn sân sang mảng tài chính bằng việc tham gia thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) vào năm 2008.

Cũng chính từ việc gây dựng cơ đồ từ bàn tay trắng, đặt nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của công ty nên trong suy nghĩ của vị đại gia này, "Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi. Người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi", ông khẳng định.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Như Loan

Trong số các doanh nhân tuổi Tý, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, là một cái tên đáng chú ý. Bà Loan (còn gọi là Loan Méng) sinh năm 1960, quê gốc ở Phú Yên. Chỉ học hết lớp 12, không hề có một tấm bằng đại học nào nhưng bà Loan vẫn là một “nữ tướng” đáng nể trên thương trường Việt Nam.

{keywords}
Doanh nhân tuổi Tý

Bà Loan tâm sự: “Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ kinh doanh bất động sản. Đây là bước đi bất ngờ trong cuộc đời tôi, nhưng bây giờ tôi rất yêu nghề này.” Tuyên bố “rất yêu” ngành kinh doanh bất động sản, nhưng bà Loan vẫn đá chéo sân sang kinh doanh nhiều ngành nghề khác. Năm 2008, công ty của bà Loan bước đầu đầu tư trồng cao su. Bà Loan còn lấn sân sang cả lĩnh vực thủy điện.

Trong một bài phỏng vấn với báo chí, bà Loan chia sẻ, mình đã phải chịu sức ép khá lớn và trải qua nhiều khó khăn khi dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản - nghề vốn được coi là chỉ dành cho đàn ông. Tuy nhiên, dù vất vả, bà Loan vẫn hài lòng với những gì đạt được bởi đó là kết quả xứng đáng cho những đòn cân não mà bà đã trải qua.

Gần đây nhất, bà chia sẻ: “Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp”.

Bà Loan nhấn mạnh những khó khăn về thủ tục hành chính để triển khai dự án khiến cho doanh nghiệp rất khổ sở trong việc duy trì hoạt động, đặc biệt là để có nguồn thu để trả lương cho 3.000 công nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Duy Anh