Công trình thành nhà Hồ đã tồn tại hơn 600 năm nay, tọa lạc trên vùng đất Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Năm 2011, thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, những câu chuyện kỳ bí quanh tòa Thành thì đến nay vẫn ít ai biết đến, những câu chuyện đó vẫn còn là bí ẩn với các nhà khoa học.
Xây thành trong 3 tháng
Từ trung tâm TP Thanh Hóa ngược phía Tây lên vùng đất Vĩnh Lộc chừng 70km, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một tòa Thành uy nghi được xây dựng bằng những khối đá to lớn cách đây hơn 600 năm trước.
Theo sử sách, mùa xuân, tháng Giêng 1397 Hồ Quý Ly sai thượng thư bộ Lại kiêm Thái Sử Lệnh Đỗ Tỉnh về xem xét đo đạc động An Tôn (thành nhà Hồ ngày nay) để đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, mở đường phố, dựng đàn Xã Tắc có ý muốn dời kinh đô về đó.
Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới |
Một phần bức tường thành |
Dù tồn tại trong thời gian ngắn ngủi chỉ có 7 năm, Hồ Quý Ly đã kịp xây dựng thành quách trong thời gian vẻn vẹn có 3 tháng (từ tháng giêng năm 1397 đến hết tháng 3 năm đó thì hoàn thành) và để lại một công trình kiến trúc độc đáo, một biểu tượng kiệt xuất về công trình thành đá cổ.
Thành nhà Hồ được xây dựng trên nền diện tích 155ha (vùng lõi), còn quần thể di tích thành rộng 5.000 ha. Thành gồm 3 bộ phận: La Thành, Hào Thành và Hoàng Thành, bên ngoài xây đá, bên trong chủ yếu đắp bằng đất.
Những người già kể về việc trước đây người dân lấy gạch, đá của thành nhà Hồ về xây nhà |
Thành được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, chiều Bắc - Nam dài 870,5m; chiều Đông - Tây dài 883,5m; độ cao trung bình 7-8m, có nơi cửa nam cao hơn 10m. Bốn cổng được xây theo 4 hướng Nam – Bắc – Đông – Tây. Kiến trúc cổng được họa theo mái vòm, những phiến đá trên vòm cửa được đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít nhau.
Toàn bộ tường thành và 4 cổng chính được xây bằng những phiến đá dài khoảng 1,5m, có tấm dài 6m, trọng lượng trung bình mỗi khối nặng từ 10-20 tấn, cá biệt tường thành phía Tây có khối đá khổng lồ 26,7 tấn, với tổng khối lượng khoảng 25.000m3 đá và gần 100.000m3 đất được đào đắp công phu.
Những tảng đá được người dân lấy về kê khắp nơi ở đường làng |
Qua hơn 600 năm, hệ thống tường thành gần như vẫn còn khá nguyên vẹn, những phiến đá nặng hàng chục tấn chỉ xếp chồng lên, không có chất kết dính. Điều làm đau đầu các nhà nghiên cứu là công trình vĩ đại đó hoàn thành trong vòng chỉ có 3 tháng vừa thiết kế lẫn thi công, điều đó thể hiện trình độ xây dựng độc đáo, bàn tay tài hoa, sức lao động sáng tạo tuyệt vời của các “nghệ nhân” thời bấy giờ.
Dân lấy gạch, đá di sản xây nhà
Trước đây, khi thành nhà Hồ chưa được công nhận là di sản văn hóa thế giới, việc trông coi, quản lý khu di tích này còn lỏng lẻo, dường như không ai quan tâm lắm đến các công trình kiến trúc trên, chính vì vậy mà có việc Thành quách luôn bị trâu bò vào dẫm đạp, gạch và đá bị bà con nhân dân lấy về để làm nhà, xây tường, thậm chí là những phiếm đá to được lấy về làm nắp mương, cống…
Những viên gạch còn nguyên chữ Hán |
Thời gian đó, các xã quanh Thành như: xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long… người dân lấy gạch, đá về làm nhà nhiều vô kể. Ông Trịnh Văn Nội, Trưởng thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến thừa nhận rằng, ở thôn ông trước đây hầu hết nhà nào cũng vào Thành lấy gạch, đá về làm nhà. Ông Nội lý giải, ngày đó Ban quản lý thành nhà Hồ còn quản lý lỏng lẻo, bên cạnh đó là cuộc sống người dân nghèo khó nên họ thi nhau vào Thành lấy gạch, đá về xây nhà. Những phiến đá xanh phẳng lỳ được xếp làm cầu, cống. Đá nhỏ hơn thì được xây tường, làm đường. Ở những bức tường của nhà dân theo năm tháng bị bóc lớp vữa bên ngoài lộ ra những viên gạch còn in dấu và chữ Hán.
Sau khi thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhiều người dân đã tự nguyện đem đá và gạch chưa sử dụng trả lại cho trung tâm. Tuy nhiên, những nhà đã xây kiên cố thì chẳng biết phải làm thế nào để thu hồi lại, đơn cử như nhà ông Trần Tuấn Đạt (thôn Xuân Giai) hiện nay vẫn đang còn nguyên ngôi nhà 5 gian được xây dựng bằng gạch, đá của Thành.
Ngôi nhà được xây toàn gạch lấy từ thành nhà Hồ |
Ông Nội cho biết, mới đây nhất, thôn Xuân Giai tiến hành tháo dỡ khu đình, công trình của làng, có dỡ được hơn 100 viên gạch có đóng dấu chữ Hán, hiện đã bàn giao cho Trung tâm Thanh nhà Hồ quản lý, trưng bày.
Theo cán bộ trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ, đến nay không rõ kỹ thuật nung gạch của thời đó như thế nào, nhưng nhìn vào màu sắc gạch và độ bền có thể nói đây là những sản phẩm thuyệt hảo.
Trải qua mấy trăm năm mà gạch vẫn giữ nguyên được màu sắc đỏ tươi không hề rêu phong và rạn nứt. Thời đó, hầu hết ở khu vực xung quanh Thành là những công trường làm gạch thuộc thôn nào thì khắc dấu thôn đó. Thông qua những đường nét trên gạch có thể nói là nhà Hồ bề thế, tráng lệ có sự đóng góp công sức của nông dân huyện Vĩnh Lộc.
Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết: “Từ năm 2007 đến nay, hàng trăm hiện vật liên quan trực tiếp đến vương chiều Hồ như gạch, chum, vại… đã được Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ vận động từ nhân dân giao nộp lại. Số lượng các hiện vật khác cũng đang được lưu giữ và tồn tại trong chính nhà dân sẽ được sưu tầm, thu hồi kế hoạch đến năm 2030. Tuy nhiên, Bởi gạch, đá trong nhà và tường của người dân không dễ dàng thu hồi trong ngày một ngày hai”.
Lê Dương
(Còn tiếp)
Tin liên quan: