Nếu thực khách lần đầu thấy cá mặt quỷ, cá bò hòm hay cá ninja,… chắc chắn đều sẽ ngạc nhiên và có chút e dè bởi vẻ ngoài của chúng quá đỗi dị thường, kỳ quặc. Nhưng bù lại, những loại cá này được người dân vùng biển coi là hải sản “hiếm và độc”, không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức.

Cá mặt quỷ

Cá mặt quỷ hay còn được gọi là cá mang ếch, cá mao ếch..., thường sống ở vùng nước mặn, đặc biệt là khu vực các gành đá, rạn san hô ven đảo Lý Sơn, Hạ Long,…

Không giống các loài khác, cá mặt quỷ sở hữu thân hình to lớn, thô kệch như một tảng đá với lớp da loang lổ màu nâu đỏ, sần sùi, lởm chởm gai góc. Thêm vào đó, cái miệng rộng ngoại cỡ và cặp mắt lồi khiến con cá khi được nhìn trực diện trông càng giống với những con quỷ trong trí tưởng tượng.

{keywords}
Số lượng cá mặt quỷ ở Việt Nam khá hiếm. (Ảnh: danviet)

Đặc biệt, vây lưng của cá mặt quỷ là gai có mang độc tố nên nếu bị đâm vào sẽ gây tác động đến hệ thần kinh, tim... nguy hiểm đến tính mạng. Cũng vì nguy hiểm như vậy cho nên ngư dân không dám đổ xô đi khai thác đặc sản này.

Trái với vẻ bề ngoài xấu xí đến gớm ghiếc, nếu được chế biến đúng cách, cá mặt quỷ lại trở thành món ăn khoái khẩu. Những thực khách sành ăn cho rằng, thịt cá mặt quỷ ngon lạ lùng, chắc nịch, dai và ngọt như thịt gà, lại có phần giòn giòn như tôm hùm, miếng cá trắng trong và dày thịt, phải 4 người ăn mới hết một con.

{keywords}
Thịt cá mặt quỷ chắc, dai và ngọt như thịt gà, có thể ăn mà không ngán.

Cá mặt quỷ có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, món nào cũng để lại ấn tượng trong lòng thực khách. Khi đem nướng chín và bày ra đĩa, cá mặt quỷ trông giống như con chim xoãi cánh trên nền trắng muốt. Còn nếu đem hấp, loài cá này phải được hấp trong thời gian dài hơn bởi thịt cá rất chắc.

Cá bò hòm

Cá bò hòm thường sống trong các đầm vịnh và vùng biển lặng, có thể đánh bắt ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, loài cá này sinh trưởng chậm và số lượng chỉ có rất ít nên luôn được coi là thứ thượng phẩm quý hiếm không dễ gì thưởng thức.

Những ai đã từng chiêm ngưỡng “dung nhan” của cá bò hòm cũng đều phải thích thú vì cách đặt tên "trông mặt bắt hình dong" của ngư dân miền biển. Cá bò hòm không dẹt, dài mà có bề ngoài vuông vức cùng lớp vỏ được tạo thành từ các khối lục giác cứng chắc. Có người cho rằng, cá bò hòm cùng họ với các loài cá có da dày và nhám như cá bò gù, cá bò da nên cũng được gọi là cá bò, còn hình dáng cái hòm thì ai ai cũng đồng tình.

{keywords}
Cận cảnh "dung nhan" cá bò hòm.

Cá bò hòm bơi trong nước cũng khá kì khôi. Thân hình núc ních gần như không di chuyển được nhiều nên sức nặng đặt cả vào cái đuôi ngúc ngắc cùng bộ vây bé xíu ve vẩy hai bên. Bởi thân hình kì lạ nên thịt cá cũng vô cùng đặc biệt. Thịt cá bò hòm trắng hơn cả thịt gà.

Thêm nữa, cả thân hình nó trừ xương sống không có thêm chiếc xương dăm nào. Chính vì những đặc điểm này nên khi thưởng thức, ai cũng liên tưởng như đang gỡ từng thớ lườn gà mềm trắng phau.

Chế biến cá bò hòm theo kiểu nào cũng có hương vị riêng, nhưng ngon nhất chỉ có thể là món cá bò hòm nướng. Chẳng cần làm ruột, chẳng cần tẩm ướp bất cứ một thứ gia vị nào, chỉ cần nhấc cá ra khỏi bè nước, chờ cá quẫy đạp đến lúc mất sức nằm im. Lúc này, người ta bắc bếp nhóm than hồng rồi đặt cả con cá lên vỉ và bắt đầu nướng, cứ thế lật trở cho đều tới khi lớp da cháy đen lại là thịt cá đã chín.

{keywords}
Nướng cá bò hòm đến khi vỏ cháy xém đều, nứt ra, lộ những thớ thịt trắng thơm ngon.

Dùng tay gỡ từng miếng thịt cá, chấm chút muối tiêu chanh với ớt cay nồng kèm một ít rau răm và rau thơm, đưa lên miệng và cảm nhận cái ngọt ngào, hít hà vị cá như đánh thức các giác quan, tất cả cho thực khách một cảm giác thư giãn đến kì lạ.Thịt cá không tanh mà rất thơm, ăn rồi chỉ muốn được thưởng thức thêm nhiều lần nữa.

Cá ninja

Trước đây, khi đánh bắt lên thấy hình thể cá “dị hợm”, chẳng biết là con gì nên ngư dân vùng Quy Nhơn, Bình Định, Khánh Hòa,… lại quăng về đại dương hoặc bán chung với cá dã cào cho nhà thùng làm nước mắm với giá rẻ mạt. Sau này, có người vô tình ăn thử thấy lạ miệng rồi truyền cho nhau. Dần dà, cá ninja trở thành đặc sản.

{keywords}
Hình dáng bên ngoài cá ninja khiến nhiều người e ngại.

Về tên gọi cá Ninja, ngư dân giải thích, là do nó thoắt ẩn thoắt hiện trong dòng nước. Thêm vào đó, phần da màu đen trùm kín từ đầu đến đuôi khiến con cá giống với những ninja mặc áo đen trong phim ảnh. Ngoài ra, nó còn có tên gọi khác là cá ''giấu đầu lòi đuôi", bởi khi bắt lên nó thường cuộn đầu như giấu đi.

Tận mắt chứng kiến mới thấy hình dạng cá ninja trông khác thường. Da cá trơn như cá chình, đường kính 4cm, dài cỡ hai gang tay, lưng đen tuyền. Không những thế, đầu cá ninja giống cá chạch có ria ngắn, đuôi thì kết thúc đột ngột bè ra, chằn chặn như đuôi hải cẩu. Nhìn thoáng qua, người ta chẳng thấy mắt mũi gì vì nó quá nhỏ.

Cá ninja có thế chế biến thành nhiều món, như lẩu, ca- ri, chiên bột... nhưng ngon và hợp "gu" với thực khách nhất vẫn là hai món om bắp chuối và nướng. Do cá ninja không có xương sống mà chỉ là lõi sụn trắng nên khi nhai nghe sừn sựt như sườn non, còn miếng thịt cá ngọt, thơm, dai như thịt gà.

Cá tắc kè

Cá tắc kè là loại cá sống ở vùng biển khá xa, cách bờ đến cả trăm hải lý. Da cá có màu đỏ hồng, hai vây cánh nằm dọc theo bên thân kéo dài đến tận đuôi. Do hình dáng phần đầu khá giống với con tắc kè sống ở trên cạn nên ngư dân quen gọi là cá tắc kè hay cá kè.

{keywords}
Cá tắc kè được đánh bắt ở một số vùng biển thuộc Nam Trung Bộ.

Xưa kia, do hình thù xấu xí đến gớm ghiếc, hơn nữa phần thịt của cá tắc kè chỉ chiếm khoảng 1/3 trọng lượng cơ thể nên chẳng mấy ai để ý. Loại cá này chỉ được người dân và các cơ sở chế biến mua về để làm thức ăn cho gia súc. Bỗng dưng mấy năm gần đây, sau khi biết cách chế biến và thưởng thức đúng “chuẩn” thì nhiều người mới nhận ra hương vị thơm ngon “thượng hạng”.

Cá tắc kè cũng như một số loại cá biển khác, có thể chế biến thành nhiều món, nhưng chỉ có đem nướng trên than củi thì món ăn mới thực sự là “số một”. Cá đem về không cần tẩm ướp bất kỳ loại gia vị nào, chỉ cần rửa sạch là có thể đặt trực tiếp lên bếp than.

Khi ăn cá tắc kè chỉ cần gạt bỏ lớp da, vảy bên ngoài thì phần thịt cá màu trắng đục sẽ lộ ra. Vị ngọt, ngon và mùi thơm đến "điếc" mũi của món ăn sẽ khiến thực khách “thích mê”. Thịt cá tắc kè ngon đến độ còn mang lại cho người thưởng thức cảm giác tựa như khi ăn thịt gà đồng. Vì thế loài cá này còn được nhiều người gọi tên là đặc sản "gà biển".

{keywords}
Cá tắc kè nướng là món ăn hấp dẫn thực khách nhất.

Nhiều thực khách sành ăn cho rằng, người biết thưởng thức cá tắc kè nướng thì không ai dùng tới đũa. Chỉ cần dùng tay không tách đầu cá, từ từ lôi ra bộ lòng nóng hổi, chấm nhẹ vào chén muối ớt là có thể tận hưởng vị bùi bùi, béo ngậy và đăng đắng từ tim, gan, mật cá tiết ra, thấm từ đầu lưỡi đến khắp vòm họng và mãi mê mẩn, vấn vương.

(Theo Dân trí)