Cô dâu Ấn Độ phô trương đến mức ngông cuồng khi phủ lên người mình đủ thứ trang sức bằng vàng: nhẫn xỏ mũi, khuyên tai, vòng cổ và bùa hộ mệnh.
Mỗi năm có đến 20 triệu đám cưới diễn ra tưng bừng ở Ấn Độ và tất cả đều có một điểm chung - đó là vàng, thật nhiều vàng đến mức có thể gây ảnh hưởng đến giá vàng toàn cầu! Vithika Agarwal, đồng sáng lập Công ty Người tổ chức đám cưới Divya Vithika (DVWP) ở thành phố Bangalore, cho biết: "Bất chấp giàu hay nghèo, mọi người đều sở hữu vàng tùy theo vị trí xã hội của mình. Và đám cưới chính là ngày trọng đại cho phép mọi người phô trương sự giàu có và thành đạt của mình. Do đó, số lượng vàng đeo trên người có tầm quan trọng thật sự".
Cô dâu Ấn Độ phô trương đến mức ngông cuồng khi phủ lên người mình đủ thứ trang sức bằng vàng: nhẫn xỏ mũi, khuyên tai, vòng cổ và bùa hộ mệnh.
Somasundaram PR, Giám đốc điều hành Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) ở Ấn Độ phải thốt lên: "Đôi khi người ta nhìn thấy vàng hơn là gương mặt cô dâu!”. Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 trên thế giới với khoảng từ 800 đến 1.000 tấn mỗi năm, chỉ sau Trung Quốc - theo số liệu từ WGC. Theo Somasundaram PR: "Ấn Độ có tác động rất lớn đến giá vàng toàn cầu. Nhu cầu về vàng ở Ấn Độ thường dùng để làm đồ trang sức - trong đó khoảng 50 - 60% là dành cho cô dâu".
Những đám cưới ở Ấn Độ vô cùng hoành tráng, và có những gia đình chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này từ cả chục năm. Đám cưới thường diễn ra ít nhất là 3 ngày với số lượng khách mời khổng lồ - từ 3.000 đến 6.000 người! Agarwal cho biết công ty của bà chuyên tổ chức đám cưới cho các gia đình thượng lưu và họ "sẵn sàng bỏ ra 200.000USD".
Chỉ riêng bộ sari thêu bằng vàng thật của cô dâu mặc trong ngày cưới đã ngốn trên 3.000USD. Để có tiền cho đám cưới, các gia đình Ấn Độ phải dành dụm để đầu tư mua vàng từ khi cô dâu tương lai còn nhỏ.
Truyền thống này bắt nguồn từ thời ban hành luật bất động sản mang đến nhiều đặc ân cho chú rể: đất đai, nhà cửa luôn dành cho con trai. Do đó, tất cả những gì cô dâu nhận được từ gia đình là vàng. Mặc dù hiện nay mọi người đều bình đẳng theo luật pháp ở Ấn Độ, song truyền thống vẫn luôn được tôn trọng.
Theo CAND/CNN