Khát vọng lớn của một ngân hàng Việt

Tháng 3/2008, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank), tiền thân của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) chính thức ra mắt thị trường.

Liên Việt sinh ra trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các thành viên sáng lập của ngân hàng đều có nhiều năm lăn lộn trên thương trường và rất trăn trở về giá trị đoàn kết, đồng lòng của giới doanh nhân nói chung, các ngân hàng Việt Nam nói riêng trong quá trình đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước. 

Theo các nhà sáng lập ngân hàng, tên gọi Liên Việt chứa đựng khát vọng về một ngân hàng đoàn kết với tất cả các ngân hàng khác, coi mọi ngân hàng đều là đối tác. Đồng thời, tên gọi này cũng mang tầm nhìn về một tương lai phát triển mạnh mẽ với cộng đồng khách hàng ở khắp mọi miền đất nước. Hội đồng Quản trị của ngân hàng lúc đó cũng có thành viên đến từ cả ba miền Bắc – Trung – Nam.

Vào thời điểm thành lập, LienVietBank có vốn điều lệ lên tới 3.300 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ của 2 ngân hàng cùng ra đời năm 2008 là BaoVietBank và TienPhongBank. Thậm chí vốn điều lệ của LienVietBank còn cao ngang ngửa một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn thời điểm đó. 

anh lpbank.jpg
Vào thời điểm thành lập, LienVietBank có vốn điều lệ lên tới 3.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quy mô mạng lưới của LienVietBank năm 2008 còn khá nhỏ trong khi năng lực về vốn lại rất lớn. Chính vì vậy, trong những năm đầu hoạt động, nhu cầu mở rộng mạng lưới liên tục được đặt ra.

Ngày 22/11/2009, Đại hội đồng Cổ đông bất thường đã thông qua một số kế hoạch phát triển. Đáng chú ý là việc sáp nhập với Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) - công ty trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post) - đang vận hành hệ thống tiết kiệm bưu điện rộng khắp cả nước. 

Đến năm 2011, LienVietBank và Vietnam Post hoàn tất quá trình đàm phán hợp tác, chính thức sáp nhập VPSC vào LienVietBank, được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đổi tên thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). 

Mới đây, vào trung tuần tháng 5/2023, Bưu điện Liên Việt lại được Ngân hàng Nhà nước cho phép đổi tên viết tắt tiếng Anh thành LPBank. Tên mới ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bắt kịp xu hướng của các ngân hàng hiện nay.

Chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu

Xác định đổi mới sáng tạo là một trong những giá trị cốt lõi, LPBank luôn nỗ lực ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào việc thực hiện chuỗi giá trị của ngân hàng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, LPBank đã coi chuyển đổi số là bước đi chiến lược, tận dụng công nghệ số để tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đối tác và cổ đông. Hệ thống ngân hàng lõi CoreBanking Flexcube 7.2 do Orcale nghiên cứu và phát triển được đưa vào vận hành ngay trong năm 2008 với thời gian ngắn kỷ lục – vỏn vẹn chỉ 3 tháng, tạo điểm khác biệt so với các ngân hàng khác trên thị trường lúc bấy giờ.

Với thuận lợi lớn là năng lực vốn và ý chí của lãnh đạo cấp cao, hành trình chuyển đổi số hướng tới ngân hàng số của LPBank đã có thêm rất nhiều dấu ấn mới, giúp ngân hàng dễ dàng thiết kế các sản phẩm – dịch vụ sáng tạo hơn, tiếp cận thị trường nhanh hơn với chi phí thấp hơn.

Có thể kể tới loạt dự án trọng điểm đang được xúc tiến triển khai đồng loạt gồm: Chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi theo giải pháp T24 do Tập đoàn Temenos của Thụy Sỹ cung cấp; Triển khai nền tảng Quản trị dữ liệu Datalake/DataWarehouse; Nền tảng ngân hàng hợp kênh (Omni channel)… 

Mới đây nhất, đầu tháng 12/2023, LPBank phối hợp với Finastra (một công ty phần mềm tài chính có trụ sở chính tại London, Anh) và Công ty Cổ phần Thiết bị và Truyền thông NGS (NGS) tổ chức Lễ khởi động dự án hợp tác triển khai phần mềm hệ thống Kondor Treasury Front-to-Back - một trong những hệ thống giao dịch hiệu quả, cho phép các ngân hàng giao dịch với khối lượng lớn trong hoạt động nguồn vốn. Dự án sau khi triển khai thành công sẽ giúp LPBank số hóa toàn bộ quy trình giao dịch từ đơn giản đến phức tạp và tăng khả năng quản trị rủi ro tự động, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế càng ngày càng sâu rộng.

Với sự đồng hành của nhiều đối tác là “ông lớn” trong giới công nghệ toàn cầu như Oracle, IBM, Temenos…, và những đối tác có uy tín, thương hiệu trong nước như MB, các hoạt động ngân hàng số của LPBank đều hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.

Ứng dụng công nghệ số đem lại nhiều kết quả khả quan: Robot RPA hỗ trợ giảm thiểu thời gian xử lý thủ công, giảm sai sót trong giao dịch, tăng tương tác với khách hàng; Với thẻ ghi nợ quốc tế UPI, khách hàng có thể mở thẻ trực tiếp trên app Liên Việt 24h, nhờ đó tăng trải nghiệm của khách hàng, tăng doanh thu cho ngân hàng…

Những nỗ lực đầu tư công nghệ và các giải pháp số sáng tạo đã giúp LPBank gặt hái nhiều “quả ngọt” trong hoạt động kinh doanh, với số vốn điều lệ 20.576 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 350.000 tỷ đồng và mạng lưới phủ khắp toàn quốc.

ong tien.jpg
Ông Hồ Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc LPBank.

Tháng 10/2023, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hồ Nam Tiến vinh dự nhận danh hiệu “Lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2023 – Chief Digitalization Officer (CDO Award 2023)” tại sự kiện lớn do Tập đoàn dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp tổ chức cùng Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an.

Sẽ tiếp tục “bứt tốc” trong tương lai

Những tháng gần đây, LPBank liên tiếp đón tin vui: Được vinh danh trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 do Brand Finance công bố; Được The Asian Banker công bố có tên trong Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2023; Ứng dụng ngân hàng số Lienviet24h nhận Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu năm 2023 do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA) trao tặng.

Cùng với đó là một loạt danh hiệu khác như: Doanh nghiệp xuất sắc châu Á (Corporate Excellence Award) năm 2023; Top 10 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2023; Top 50 Công ty đại chúng uy tín và hiệu quả 2023…

anh the lpbank.jpg

Dự kiến thời gian tới, LPBank sẽ tiếp tục chuyển đổi số trên toàn bộ ngân hàng, thông qua loạt dự án lớn như: Thay đổi hệ thống Corebanking; Phần mềm Treasury; Autobank – dòng ATM cao cấp; Tổng đài đa kênh…

Đặc biệt, LPBank sẽ nghiên cứu và triển khai ứng dụng cả những công nghệ mới nhất như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) trong dự án Chatbot với các tính năng giao tiếp và phản hồi nhanh cho khách hàng, hỗ trợ 24/7… Trên thị trường cũng đã có nhiều ngân hàng sử dụng Chatbot tích hợp AI, chẳng hạn BIDV, VCB, MB, VPBAnk hay TPB.

Với chiến lược chuyển đổi số toàn diện, LPBank sẽ tiếp tục “bứt tốc” trên hành trình phát triển và sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.