1. Năm học hoàn thành 'nhiệm vụ kép'
Năm 2020, học sinh, sinh viên cả nước đã trải qua 'kì nghỉ Tết' dài nhất trong lịch sử do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Xác định chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học tăng cường các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình. Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9/2020 nhận xét: “Việc học trực tuyến để phòng-chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”.
Cậu sinh viên người Mông dựng lán học online giữa núi rừng Hà Giang |
Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Để hỗ trợ công tác giáo dục cho các trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung thời gian năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2.
Năm học 2019-2020 khép lại với thành công kép của ngành GD-ĐT trong thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên; đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học.
2. Tổ chức tốt kỳ thi "chưa từng có"
Lần đầu tiên các thí sinh đến trường thi với khẩu trang và nước sát khuẩn. Ảnh: Thanh Hùng |
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải lùi 1 tháng so với thông lệ đầu tháng 7 hằng năm.
Tuy nhiên, 20 ngày trước lịch thi, Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 thứ hai. Lần này, không xác định được nguồn lây trong cộng đồng, dịch diễn tiến nhanh, lan rộng ở Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận. Trước thực tế diễn biến dịch bệnh và sự chuẩn bị cũng như đề xuất của địa phương, Bộ GD-ĐT quyết định vẫn tổ chức kỳ thi nhưng chia thành 2 đợt.
Để đảm bảo công bằng cho các thí sinh, Bộ GD-ĐT cũng có công văn hướng dẫn các trường ĐH, CĐ xây dựng phương án phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý cho thí sinh phải tham gia thi đợt 2.
“Việt Nam đã nêu gương tốt về việc tổ chức kỳ thi chất lượng cao trong điều kiện rất khó khăn vì đại dịch”, ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá.
3. Trao quyền tự chủ cho giáo viên
Năm học 2019-2020 cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Chương trình – SGK phổ thông mới. Để khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của người dạy, chương trình chỉ quy định số tiết/năm, chứ không quy định số tiết/tuần. SGK không còn là pháp lệnh mà chỉ là phương tiện, cung cấp các chất liệu dạy học cho giáo viên, còn sử dụng chất liệu nào, tổ chức hoạt động gì, dạy chủ đề nào trước, chủ đề nào sau hoàn toàn do sự chủ động của giáo viên, miễn là đảm bảo đúng yêu cầu đặt ra của chương trình môn học.
Điều này cho phép các nhà trường chủ động trong sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục để phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học của cơ sở.
Ngoài ra, theo Thông tư về Điều lệ trường tiểu học có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2020, giáo viên được trao quyền mới là được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường trong việc lựa chọn, điều chỉnh nội dung giáo dục; vận dụng các hình thức hoạt động và phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của nhà trường.
4. Thầy trò truyền cảm hứng cho toàn xã hội
Năm 2020 cũng ghi nhận nhiều câu chuyện truyền cảm hứng, lan tỏa điều tốt đẹp tới cộng đồng, xã hội từ chính các giáo viên và học sinh.
Đó là cô Hà Ánh Phượng (giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ) được bình chọn trong danh sách “10 giáo viên toàn cầu” do Tổ chức giáo dục Varkey Foundation công bố nhằm tôn vinh các thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.
Cô giáo Hà Ánh Phượng - top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu do Varkey Foundation bình chọn |
Ngôi trường nơi cô giáo Phượng có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet, cô Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới và từng bước chứng minh rằng “giáo dục là không giới hạn”.
Ngoài ra, cô giáo trẻ còn dành thời gian dạy học miễn phí cho trẻ em tại khu ổ chuột của Ấn Độ, trẻ em ở Nam Phi cho đến các lớp học trực tuyến tại California, Mỹ.
Còn Ngô Minh Hiếu (Trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa) thì khiến nhiều người xúc động bởi câu chuyện ròng rã 10 năm liền cõng người bạn bị tật nguyền đến trường.
Việc làm của Hiếu truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ tin vào những điều tốt đẹp luôn hiện hữu ở mọi nơi thông qua những hành động nhỏ bé.
Ngô Minh Hiếu tại Lễ trao giải 'Nhân vật truyền cảm hứng 2020' của báo VietNamNet |
Cô giáo Hà Ánh Phượng và sinh viên Ngô Minh Hiếu là 2 trong 14 đề cử nhân vật truyền cảm hứng năm 2020 trên báo VietNamNet.
5. Cơ sở giáo dục đại học thăng hạng trên các bảng xếp hạng thế giới
Ngoài duy trì số lượng và thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới như Quacquarelli SymondsWorld University Rankings (QS), World University Rankings của tạp chí Times Higher Education (THE), Việt Nam lần đầu tiên có 4 cơ sở giáo dục lọt vào tốp 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới, theo xếp hạng 2021 Best Global Universities Rankings của tạp chí US New & Word Report (Mỹ).
Đó là Trường ĐH Tôn Đức Thắng; ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Quốc gia TP.HCM; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
2 ĐH Quốc gia trong năm 2020 cũng vào tốp 101-150 trường đại học trẻ tuổi (thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức QS.
Trong Bảng xếp hạng những đại học có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu - THE Impact Rankings, năm 2020, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng đều nằm trong top 301-400.
Nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo của Việt Nam được đứng trong tốp 500 thế giới. Số lượng báo cáo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín lên tới 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới.
6. Chuyển đổi số mạnh mẽ
Năm 2020 chuyển đổi số trong giáo dục đã bước một bước tiến dài để hướng đến mục tiêu “Việt Nam đi tiên phong và trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục và đào tạo”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại hội thảo chuyển đổi số trong Giáo dục - Đào tạo tại Hà Nội sáng 9/12 |
Lần đầu tiên, một cở sở dữ liệu ngành được hình thành. Ngành Giáo dục đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh cho hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên. Đồng thời, xây dựng và phát triển kho học liệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) với khoảng 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 200 đầu sách giáo khoa, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm và trên 7.500 luận án tiến sĩ.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ GD-ĐT và Bộ TT&TT đã ký kết Chương trình hợp tác triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Cùng đó, huy động các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ các nhà trường, giáo viên và học sinh những điều kiện để triển khai chuyển đổi số như: đường truyền Internet, phần mềm quản lý, phần mềm dạy học trực tuyến, trang thiết bị đầu cuối, …
Hải Nguyên
Cô giáo Mường 'từ vườn chuối' vào top 10 xuất sắc thế giới
Cô giáo Hà Ánh Phượng, người từng “gây bão” với câu chuyện “từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới” tiếp tục lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu và trở thành người Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng này tính đến thời điểm hiện tại.
Kỳ thi 'chưa từng có' và một quyết định dũng cảm
“Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, không vì không đủ thông tin hoặc vì một số khó khăn mà có những quyết định không được cân nhắc kỹ” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định trước kỳ thi.