3/3 âm lịch là thời khắc chuyển giao hai mùa xuân – hè hay còn được biết đến là tết Hàn thực trong văn hóa Việt Nam. Vào ngày này, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay để dâng cúng tổ tiên, trời đất mong cho mưa thuận gió hòa, mọi việc hanh thông, may mắn...
Tết Hàn thực là một trong những ngày lễ đặc biệt trong năm. Để gặp nhiều may mắn, thuận lợi, ngoài mâm cúng, các gia đình nên làm những việc dưới đây:
Chuẩn bị mâm cúng thành tâm, đầy đủ
Để thể hiện lòng thành kính và bày tỏ sự biết ơn chân thành đến ông bà, tổ tiên trong tết Hàn thực, gia chủ nên chuẩn bị mâm cúng thành tâm với đầy đủ lễ vật cần thiết.
Các gia đình nên sắm hoa tươi, trái cây, trầu cau, hoa quả và không thể thiếu bánh trôi, bánh chay, món ăn đặc trưng của tết Hàn thực.
Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng, gia chủ chỉ cần chuẩn bị mâm cúng một cách giản đơn và không nên bày vẽ mâm cao cỗ đầy. Điều quan trọng trong việc chuẩn bị mâm cỗ là gia chủ phải thể hiện lòng thành kính của mình đối với ông bà, tổ tiên.
Đi tảo mộ
Tết Hàn thực cũng là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn đến ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Vì thế, trong ngày này các gia đình Việt Nam thường cùng nhau đi tảo mộ, thăm viếng, sửa sang mộ phần tổ tiên.
Trong ngày này, việc đi tảo mộ còn mang ý nghĩa giáo dục khi mỗi gia đình có thể truyền đạt những giá trị tinh thần, văn hóa độc đáo từ những người đi trước đến thế hệ sau.
Việc đi tảo mộ cũng giúp cho chúng ta hiểu hơn về sự luân chuyển của thời gian. Chúng ta cần gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ sau những giá trị văn hóa, tinh thần cao đẹp mà tổ tiên để lại.
Nhắc nhở con cháu ghi nhớ cội nguồn
Tết Hàn thực là dịp để nhắc nhở con cháu cần phải ghi nhớ cội nguồn, hiểu rõ về lịch sử, văn hóa, truyền thống và giá trị đạo đức của dòng tộc.
Thế hệ con cháu hiện nay thường ít được tiếp xúc với những câu chuyện, hồi ức của những người thân đã khuất trong gia đình hay dòng họ của mình. Chính vì vậy, tết Hàn thực là thời điểm quan trọng để cả gia đình cùng nhau sum vầy và truyền lại những câu chuyện, kỷ niệm về những người thân đã qua đời.
Đây không chỉ là cách để tôn vinh và ghi nhớ những người đã có công với gia đình và xã hội, mà còn là cách để truyền đạt giá trị tinh thần, truyền thống văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ sau.
Trang phục đứng đắn, nghiêm túc
Sau khi chuẩn bị mâm cỗ cúng, gia chủ nên cẩn trọng, chú ý trong công đoạn dâng hương lên ông bà tổ tiên. Trong thời khắc này, ngoài những ngôn từ thành kính, người cúng bắt buộc phải ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc khi đứng trước ban thờ gia tiên.
Hành động trên thể hiện thái độ tôn kính và lòng thành của gia chủ đối với những người đã khuất. Đừng ăn mặc quá xuề xòa, luộm thuộm bởi như vậy, gia chủ sẽ bị xem là bất kính, thiếu sự tôn trọng với ông bà, tổ tiên.
(Tổng hợp)