Phát triển chính sách công nghiệp xanh (CSCNX) của các nền kinh tế phát triển đã để lại nhiều bài học thực tế đắt giá đối với các quốc gia đang phát triển. TS. Nguyễn Hoàng Quy và ThS. Lê Ánh Tuyết, Học viện Hành chính Quốc gia đã rút ra 6 bài học như sau:

Một là, thực tiễn trên thế giới đã chứng minh về khả năng áp dụng và thực thi CSCNX vào thực tiễn hơn bất cứ một chính sách công nghiệp nào trước đó. Minh chứng rõ ràng nhất đến từ định hướng chuyển đổi ngành sản xuất công nghiệp sạch theo thị hiếu tiêu dùng của các quốc gia trong khu vực châu Âu. Nhu cầu sống trong môi trường xanh luôn thường trực trong chính bản thân xã hội và cộng đồng, đặt mạnh áp lực lên Chính phủ các nước phải không ngừng khắc phục, cải thiện các công cụ pháp lý thích hợp, bảo đảm chất lượng cuộc sống và loại bỏ những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Hai là, giải quyết các vấn đề gây ô nhiễm phải từ các nhân tố trực tiếp, thay vì gián tiếp ảnh hưởng tác động. Điều này thể hiện rõ khi Chính phủ nhiều nước vẫn tiếp tục tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khai thác mỏ quặng bất chấp những hệ lụy về suy thoái môi trường trong tương lai. Áp dụng đánh thuế hay bất kỳ công cụ pháp lý nào được cụ thể hóa dưới hình thức chi phí môi trường sẽ góp phần thể hiện rõ giá trị và sự khan hiếm của các nguồn tài nguyên hiện tại.

{keywords}
Việt Nam cần hoàn thiện một thể chế pháp lý toàn diện bao gồm những quy định và xử phạt chặt chẽ trong hoạch định CSCNX

Ba là, CSCNX cần được hoạch định bởi một cơ chế thi hành pháp lý cao nhất, có phạm vi ảnh hưởng tới tất cả các ngành trong nền kinh tế, có khả năng tự điều chỉnh, phối hợp giữa các cấp từ trung ương tới địa phương. Điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải trực tiếp kiểm soát các quy định và cơ chế trong chính sách xanh, đồng thời gắn liền phát triển kinh tế bền vững với việc gia tăng cơ hội việc làm, tăng cạnh tranh cho sản phẩm nội địa, đột phá trong công nghệ và cải thiện phúc lợi xã hội.

Bốn là, Việt Nam cần thiết lập từng mục tiêu phát triển cụ thể trong chiến lược CSCNX theo các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn của nền kinh tế. Ở mỗi giai đoạn, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu, thách thức của mục tiêu và các chỉ số đề ra cùng với báo cáo đánh giá hiệu quả phương hướng và kết quả hoạt động. Quá trình đánh giá phải dựa trên cơ sở khách quan về tính hiệu quả và phạm vi thực hiện để rút kinh nghiệm và xây dựng các hướng đi tốt hơn trong tương lai.

Năm là, cơ chế cạnh tranh sẽ khuyến khích sự phát triển không ngừng của nền công nghiệp xanh khi các doanh nghiệp liên tục đổi mới sáng tạo công nghệ để sản phẩm của họ thích ứng với nhu cầu tiêu dùng xanh. Hơn hết, Chính phủ sẽ để “ngỏ” cho các doanh nghiệp một “sân chơi” giống như một trọng tài trung gian không thiên vị với bất kỳ người chơi nào. Việt Nam cần thiết lập được một cơ chế như vậy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cùng tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm xanh.

Sáu là, CSCNX tại Việt Nam phải tương thích và tuân thủ với những quy định về công nghiệp xanh trên thế giới. Vì nền kinh tế xanh là mục tiêu toàn cầu của nhiều quốc gia trên thế giới, do đó, để tạo sự cân bằng trong phát triển, những thỏa thuận môi trường quốc tế sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt thương mại đối với nền kinh tế không tuân thủ các chính sách kinh tế xanh. Để phát triển kinh tế bền vững và hưởng lợi từ quá trình này, Việt Nam cần cân nhắc kỹ các yêu cầu trong CSCNX toàn cầu để nhanh chóng thích ứng và nắm bắt cơ hội.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Việt Nam cần hoàn thiện một thể chế pháp lý toàn diện bao gồm những quy định và xử phạt chặt chẽ trong hoạch định CSCNX. Ngoài ra, sự phối hợp và liên kết giữa các ban ngành từ trung ương đến địa phương cũng cần được thiết lập một cách chặt chẽ hơn. Cần đẩy mạnh hơn việc quảng bá, tuyên truyền về lợi ích của tăng trưởng xanh với nền kinh tế và môi trường, gắn kết các thành phần xã hội từ cấp độ cá nhân tham gia vào công cuộc đổi mới nền kinh tế. Thêm vào đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế cần được Chính phủ hoạch định theo từng giai đoạn, thúc đẩy hiệu quả về chi phí và nguồn lực. Trong tương lai, Chính phủ cần có những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tích cực tham gia và tận dụng lợi ích từ các dự án chuyển đổi xanh trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới.

Hằng Nga