Ngủ riêng là xu hướng khá phổ biến ở xứ cờ hoa.

Mùa xuân năm 2022, khi Valerie Weisler (24 tuổi) chuẩn bị chuyển đến thành phố New York (Mỹ) để sống cùng chồng, cô đã đề nghị được có phòng ngủ riêng.

Valerie sống một mình khi học cao học ở Ireland và ý tưởng ngủ chung phòng, thậm chí với bạn đời, khiến cô sợ hãi.

“Có điều gì sai khi tôi muốn làm vậy sao? Bạn gặp một ai đó, hẹn hò, yêu đương rồi về chung một nhà. Nhưng điều đó đâu có nghĩa là phải yên giấc cùng một giường”, Weisler chia sẻ.

Không chung chăn gối

Ky Dates (22 tuổi), chồng của Valerie, lại suy nghĩ khác với vợ mình. Anh cho rằng ngủ chung phòng là điều thường lệ của các cặp vợ chồng và cảm thấy hoang mang khi đối phương thay đổi cách làm.

“Tôi đã rất hoảng sợ. Đây là dấu hiệu của một mối quan hệ đang gặp trục trặc”, Dates lo lắng.

Sau khi được Weisler giải thích về việc coi trọng không gian cá nhân trong thời gian du học ở nước ngoài, chàng trai cuối cùng cũng đồng ý. Vào tháng 9/2022, đôi trẻ dọn ra sống ở một căn hộ 4 phòng ngủ ở Crown Heights (Brooklyn). Họ chia sẻ ngôi nhà với 2 người bạn nữa.

Xu hướng ngủ riêng khá phổ biến ở xứ cờ hoa. Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 1/2023 với 2.200 người Mỹ do Hiệp hội Đồ gia dụng Quốc tế thực hiện, cứ 5 cặp vợ chồng thì có một cặp ở khác phòng. Gần 2/3 trong số đó ngủ riêng mỗi đêm.

vo chong ngu rieng anh 1

Cara và Rich Newhart bắt đầu ngủ riêng khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Tony Cenicola/New York Times.

Vì tình trạng này, nhiều nhà thiết kế nội thất phải tái cấu trúc các căn nhà để biến phòng ngủ riêng biệt thành dãy liền kề - một mô hình được không ít đôi uyên ương yêu cầu.

Một số chuyên gia cho rằng tạo không gian riêng cho nhau có thể là bí mật để giúp họ giữ hạnh phúc gia đình. Nhờ vậy, cả 2 có giấc ngủ ngon hơn, không bị quấy rầy bởi tiếng ngáy không ngừng của “nửa kia” hay sở thích kéo chăn, cuộn tròn mình vào đêm khuya.

Ngoài ra, cách này còn thêm “gia vị” vào cuộc sống hôn nhân, giảm bớt sự nhàm chán khi dành quá nhiều thời gian bên cạnh nhau.

Nguy cơ tan vỡ

Bên cạnh những mặt tích cực, các nhà trị liệu tình dục và tư vấn hôn nhân cũng e ngại trước xu hướng này. Katherine Hertlein, giáo sư trong chương trình trị liệu cặp đôi và gia đình tại Đại học Nevada Las Vegas, lo lắng về mục tiêu đằng sau quyết định ngủ ở hai khu riêng biệt.

“Có thực sự người kia quá quấy nhiễu hay đó là cái cớ để tránh nói về những vấn đề lớn hơn ở nhà? Hoặc đây là cách không đối đầu để thoát khỏi một mối quan hệ không hạnh phúc”, Katherine đặt ra nghi vấn.

Theo Katherine, không chung chăn gối là hình ảnh thể hiện cho đôi vợ chồng đang giận nhau hoặc cuộc hôn nhân trên bờ vực tan vỡ.

Từ lâu, giới quý tộc đã áp dụng nguyên tắc ngủ xa nhau, thường được miêu tả qua phim ảnh như “The Crown” và “Downton Abbey”. Nhưng nhìn lại, đây cũng là tầng lớp có xu hướng kết hôn vì tài sản hoặc danh hiệu chứ không phải tình yêu.

Hành động tách phòng được cho là lấy đi thời gian bên nhau và ảnh hưởng đến tần suất quan hệ tình dục.

“Tôi có nhiều nghi vấn xoay quanh vấn đề này. Đó không phải là một bước nhảy vọt từ sự độc lập lành mạnh đến việc tìm kiếm khoảng cách”, Tiến sĩ Cheryl Fraser, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của cuốn sách “Phòng ngủ của Đức Phật”, nhận xét.

Trong cuộc khảo sát của mình với 3.000 cặp đôi có mối quan hệ lâu dài, Tiến sĩ Fraser đã phát hiện ra rằng khoảng 33-40% cho biết họ ít ân ái và làm tình không quá 6 lần/năm.

“Khi bạn ngủ chung giường, tình dục sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Chúng ta kết hôn vì tình yêu và do đó phát sinh mong muốn ở cùng giường và dành những cử chỉ thân mật cho nhau”, cô nói.

vo chong ngu rieng anh 2

Có nhiều luồng ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề ngủ riêng của những cặp vợ chồng. Ảnh: USA Today.

Nhưng theo Hiệp hội Đồ gia dụng Quốc tế, 31% các cặp vợ chồng tham gia khảo sát nói rằng việc ngủ riêng không ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ. 21% trong số đó trả lời tình cảm giữa 2 bên được cải thiện nhờ điều đó.

Rich Newhart (31 tuổi, quận Burlington, miền Nam New Jersey), làm việc cho một công ty bảo hiểm y tế, cho hay anh cảm thấy gần gũi với vợ hơn và háo hức được thân mật với “nửa kia” khi họ có phòng ngủ riêng.

“Bạn không còn cố gắng tìm cách thoát khỏi gia đình để có thời gian ở một mình nữa”, Newhart bày tỏ.

Cặp đôi bắt đầu ngủ riêng từ khi đại dịch bùng phát và bị chôn chân ở nhà 24/7. Tất cả thời gian đều dành cho gia đình đã vượt quá sức chịu đựng của vợ anh, Cara Newhart (30 tuổi).

Sau đó, cô dọn ra một căn phòng dành cho khách. “Tôi là người hướng nội và cần thời gian ở một mình để nạp lại năng lượng”, Cara, nhà thiết kế nội thất, chia sẻ.

Hiện Cara đã hoàn toàn thích nghi với cuộc sống không chung chăn gối với chồng. Cô nhận ra mình đã bỏ lỡ nhiều thứ khi không làm như vậy sớm hơn.

“Từ khi lên chức cha mẹ, cả 2 đã đánh mất chính mình. Có không gian vật lý để tìm lại bản thân đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Tôi và chồng không cảm thấy như bị mắc kẹt với ai đó”, cô nói thêm.

Theo Zing