Ngân hàng đầu tư Macquarie tin rằng những hãng công nghệ tiêu dùng lớn như Facebook và Amazon đã bước tới giai đoạn “xế chiều”.

“Nhà đầu tư phải rất cẩn trọng khi tiếp cận các công ty như Meta hay Alphabet, vì như tôi đã nói, các công ty này đang đi xuống và đối mặt với một số vấn đề”, Viktor Shvets, Trưởng ban chiến lược toàn cầu và châu Á tại Quỹ đầu tư Macquarie Capital cho biết. Ông cũng nêu tên một số công ty tương tự khác như Apple và Alibaba.

Các trở ngại có thể bao gồm “quy mô của các nền kinh tế lớn” cũng như những áp lực chính trị xã hội rõ rệt. “Phải rất thận trọng đối với những nền tảng kỹ thuật số trên, nhưng phần còn lại của thế giới công nghệ còn nhiều cơ hội sinh lời”, Viktor khẳng định.

Những năm gần đây, các gã khổng lồ công nghệ tại Mỹ và Trung Quốc đang chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Năm ngoái, Trung Quốc đã mạnh tay với các công ty công nghệ khi luật hoá một loạt lĩnh vực, từ chống độc quyền cho tới bảo vệ dữ liệu.

Cổ phiếu của Tencent, Alibaba và Didi đồng loạt bị bán tháo khi các công ty lọt vào tầm ngắm của chính phủ. Tính tới thời điểm đóng cửa ngày 11/2, chỉ số Hang Seng Tech Index (chỉ số chứng khoán dựa trên giá trị vốn hoá thị trường của 30 công ty công nghệ lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông) vẫn thấp hơn 40% so với năm 2021.

Trong khi đó tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp mới nhằm ngăn chặn các hành vi phi cạnh tranh của Big Tech, cũng như một số lĩnh vực khác.

Công ty nào có thể lột xác?

Viktor cho rằng thế giới đang chuyển giao từ thế hệ công nghệ thứ hai sang thế hệ thứ ba. Câu hỏi đặt ra là, liệu các công ty công nghệ có thể sống sót trong cuộc chuyển giao chủ chốt này hay không?

“Một trong những điều chúng tôi rút ra trong các cuộc chuyển giao như thế này, là chỉ có một hoặc hai công ty có thể thực sự vượt qua. Ví dụ, Microsoft là công ty công nghệ lớn duy nhất có thể vượt từ thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ hai trong khi phần lớn không ai có thể làm được”.

“Do đó, câu hỏi với các nền tảng kỹ thuật số lớn này, là công ty nào có cơ hội, hay khả năng và tiềm lực để thực sự chuyển đổi? Tại thời điểm này, mọi thứ còn chưa rõ ràng. Nhà đầu tư sẽ đặt cược vào Meta, Google hay Alibaba?”, đại diện quỹ đầu tư Macquarie chia sẻ.

Các Big Tech như Meta, Apple, Google, Microsoft đang chạy đua ra mắt các sản phẩm phần cứng và dịch vụ phần mềm liên quan vũ trụ ảo (metaverse), thuật ngữ chỉ thế giới ảo nơi con người tương tác, tham gia những hoạt động âm nhạc, thể thao và chơi game thông qua thiết bị thực tế ảo hay thực tế ảo tăng cường.

Thị trường cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc

Các công ty công nghệ tại đất nước tỷ dân này không chỉ chịu áp lực khổng lồ từ pháp luật mà còn đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt.

Roderick Snell, nhà quản lý đầu tư tại Baillie Gifford (trụ sở tại Edinburgh) cho biết, vài năm gần đây quỹ đã giảm tỷ trọng nắm giữ các cổ phiếu của những tên tuổi công nghệ lớn như Alibaba và Tencent.

“Tôi nghĩ rằng vấn đề lớn nhất đối với Alibaba và Tencent là họ đang ở nơi cạnh tranh khốc liệt nhất trong những thị trường mới nổi. Chỉ trong 3 hay 4 năm, 40% thị phần quảng cáo truyền thông xã hội của Tencent đã thuộc về các người chơi khác. Một cuộc cạnh tranh lớn đang diễn ra. Vì vậy chúng tôi đã giảm tỉ trọng đối với công ty và tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác. Điều này có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai”, Roderick khẳng định.

Vinh Ngô (Theo CNBC)   

Big Tech và cuộc chiến cáp quang dưới lòng đại dương

Big Tech và cuộc chiến cáp quang dưới lòng đại dương

Các ‘ông lớn’ công nghệ đang kiểm soát Internet toàn cầu, điều này không phải nói quá nếu xét đến một khía cạnh quan trọng: cáp quang biển.