Xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá 

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng và là một trong bảy tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vĩnh Phúc được coi là cái nôi của khoán hộ để từ đó Trung ương ra chủ trương giao đất cho người nông dân làm chủ. Ngay khi mới tái lập, tỉnh đã có nghị quyết về “tam nông” để cải tạo và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. 

Xác định Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Vì vậy, trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội.

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp. Toàn tỉnh có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 9/9 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, trong đó có 03 huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Để thực hiện mục tiêu này, Vĩnh Phúc cũng đề ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, trong đó tập trung hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Tổ chức sản xuất hiệu quả, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển thị trường đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro; Hội nhập và hợp tác quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

Giai đoạn 2021 - 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh bước vào thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức đan xen; tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh ngày càng khó lường. Cùng với đó là những bất cập về chính sách đất đai; sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp; giá cả vật tư đầu vào và giá nông sản không ổn định; thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh.

vinhphuc.png

Lường trước những khó khăn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động cụ thể hóa việc thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII bằng nhiều hành động, giải pháp linh hoạt, đồng bộ. Trước hết là việc thường xuyên giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa tư tưởng và hành động trong toàn ngành; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ với lãnh đạo chính quyền, sự phối hợp đồng thuận của các đoàn thể quần chúng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; tăng cường kiểm tra, giám sát, tham mưu đề xuất kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Ngoài ra, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật cũng được ngành Nông nghiệp coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài.

GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 3%/năm

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tốc độ tăng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh năm 2010) bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 3%/năm, vượt mục tiêu đề ra từ 1,5 - 2%/năm.

Về sản xuất nông nghiệp, từ năm 2021 đến nay, sản xuất trồng trọt, chăn nuôi được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy trình VietGAP, có giá trị kinh tế cao như: Bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, bò sữa, gà chuyên trứng; một số sản phẩm có thương hiệu và được xuất khẩu như: Thanh long ruột đỏ, ớt quả, chuối tiêu hồng… Bình quân giai đoạn 2021 - 2023, năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng, trong đó: Năng suất lúa ước tăng 1%; ngô tăng 1,6%; rau các loại tăng 0,7%... Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 5,55%/năm, trứng gia cầm tăng 5,8%/năm, sản lượng sữa bò tươi tăng 12,7%/năm. Sản lượng thủy sản đạt 24,16 nghìn tấn, tăng 2,8%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 25%.

Về phát triển nông thôn, diện mạo các làng quê ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được tăng cường, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện và nâng lên; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo các năm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 81 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 105 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng từ 3 sao trở lên. Tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn ước thực hiện năm 2023 đạt 78%, vượt mục tiêu đề ra.

Từ những kết quả đạt được qua nửa nhiệm kỳ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh đánh giá: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra 3 vấn đề: "Nông dân thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại". Cụ thể hóa những chủ trương này, nửa nhiệm kỳ vừa qua, Vĩnh Phúc đã có những hướng đi rất mạnh mẽ với chủ trương, chính sách đột phá để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.


 

Đoàn Bổng, và nhóm PV, BTV