Những bức thư điện tử đăng trên trang web của Ủy ban điều hành hạt nhân Mỹ sau thảm họa Fukushima hồi tháng 3/2011 đã tiết lộ sự hoảng loạn tại cơ quan hạt nhân nước này khi các chuyên gia đều mù mờ về quy mô vụ rò rỉ hạt nhân.



Các bức thư, được đăng tải sau khi động đất và sóng thần gây ảnh hưởng nặng nề tới nhà máy hạt nhân Fukushima, Nhật, đã cho thấy các chuyên gia ở Mỹ bất đồng về cách ứng phó với thảm họa. Và trong khi trấn an rằng dân chúng Mỹ không bị nguy hiểm, thì Ủy ban điều hành hạt nhân (NRC) không hề tiết lộ viễn cảnh tệ nhất, trong đó, mức phóng xạ tăng cao sẽ ảnh hưởng tới Alaska nếu không thể kiểm soát được tình hình Fukushima.

Trong một lá thư được viết vài giờ sau khi động đất 9 độ tấn công ngoài khơi bờ biển Nhật hôm 11/3 và được đăng trên tờ Washington Post có đoạn: "Đó không phải là máy khoan. Tình hình sẽ xấu đi trong vài ngày tới".

Ba ngày sau, một quan chức khác nói: "Thật tệ, nhưng chúng ta chỉ có một chút thông tin". NRC cho biết, họ sẵn sàng giúp Nhật đối phó với thảm họa song phải cố xuyên qua màn sương vây quanh nhà máy Fukushima đang bị phá hủy, tờ Washington Post đăng.

Các lá thư tiết lộ chuyện các chuyên gia không đi tới thống nhất về việc cố vấn cho công ty điện lực Tokyo như thế nào, đây là công ty điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima. Có một ý tưởng của nhà vật lý Richard Garwin, đó là tạo ra một vụ nổ đã được định hình nhằm xuyên qua phần vỏ bao bọc lò phản ứng đang bị phá hủy để nó có thể hạ nhiệt.

Edwin Lyman, chuyên gia hạt nhân tại Hội các nhà khoa học có liên quan nói: "Những bức thư đưa ra một bức tranh chân thực về mức độ không chắc chắn và bối rối trong nội bộ chính phủ Mỹ và nó cũng cho thấy ngay cả các chuyên gia Mỹ cũng bị chia rẽ về điều gì đang diễn ra và làm thế nào để giảm nhẹ khủng hoảng".

NRC được vài nước hỏi về các bể chứa dùng để chứa nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân đã sử dụng. Pháp, Đức và Nhật đã tìm cách truy cập thông tin của NPR về các bể chứa hôm 17/3 nhưng nước này còn ngần ngừ trong việc chia sẻ thông tin vì sợ nó sẽ châm ngòi cho các cuộc tấn công nhằm vào lò phản ứng hạt nhân. Lyman cho hay: "Tất cả những thông tin cơ bản về bể chứa, việc xử lý nhiên liệu đã sử dụng đều không được NRC chia sẻ với công chúng".

Một số bức thư khác tiết lộ việc người dân Mỹ kêu gọi đóng cửa tạm thời các nhà máy điện hạt nhân để có thể tiến hành kiểm tra và đòi tiết lộ các bức thư về tình hình Fukushima theo như Đạo luật tự do thông tin. Các bức thư hiện đăng tải trên trang web của NRC cũng tiết lộ những lo ngại về một lò phản ứng hạt nhân của Mỹ, tương tự như lò phản ứng bị phá hủy ở Fukushima.

Các bức thư trên được tiết lộ sau khi chính phủ Nhật công bố một báo cáo bí mật trong đó nói, hàng chục triệu người có thể phải sơ tán nếu trường hợp xấu nhất xảy ra ở Fukushima. Báo cáo nội bộ dày 15 trang trước đây không được công bố vì sợ sẽ gây ra cảnh hoảng loạn rộng khắp, đã bày tỏ nghi ngờ về việc liệu chính phủ Nhật có thể đương đầu với việc sơ tán dân ở một quy mô lớn chưa từng có.

  • Lê Nguyễn (Theo DailyMail)