Tích cực áp dụng CNTT hỗ trợ dạy học
Tại trường Tiểu học Yên Thanh (TP Uông Bí), có 4 đường truyền mạng cáp quang tốc độ cao, phục vụ nhu cầu sử dụng Internet của giáo viên và HS. Tại trường còn có 1 phòng máy tính với 8 máy và 4 phòng học thông minh. Tổng cộng, nhà trường có 20 chiếc máy chiếu và 14 bảng tương tác.
Hiện TP Uông Bí có 41 trường học từ bậc mầm non đến THCS thực hiện quản lý, sử dụng phần mềm trực tuyến phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; 12 trường THCS, trường liên cấp tiểu học và THCS thực hiện quản lý học sinh quan phần mềm SMAS; 29 trường tiểu học và THCS thực hiện trao đổi tài nguyên, sử dụng tài nguyên qua hệ thống http://truonghocketnoi.edu.vn và từng bước khai thác sử dụng phần mềm Intest trong dữ liệu ngân hàng ra đề, trộn đề kiểm tra.
100% trường ở Uông Bí từ mầm non đến THCS đều đã sử dụng phần mềm PMIS, EMIS, phần mềm kế toán MISA.
Còn tại trường THCS Lý Tự Trọng, TP Hạ Long đầu tư 21 phòng học thông minh với nhiều thiết bị hiện đại như bảng tương tác, camera, hệ thống mạng Internet, micro, loa đài...
Trường Lý Tự Trọng có 6 phòng học loại 1, được trang bị thêm 40 máy tính xách tay, giúp các giờ học, thực hành của học sinh được triển khai tích cực hơn.
Cùng Hạ Long, Uông Bí, một số địa phương của Quảng Ninh cũng thực hiện tích cực hoạt động này là: Đông Triều, Cẩm Phả...
Đến nay, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã trang bị 1.452 phòng học thông minh với kinh phí 387 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT còn tiếp tục triển khai dạy và học với sự hỗ trợ của các thiết bị giảng dạy hiện đại thông qua mạng LAN, mạng Internet, phần mềm tại các phòng học tương tác, phòng học thông minh.
Theo thông tin Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, hiện Sở đã hoàn thành việc cung cấp bộ sách giáo khoa số hóa từ lớp 1 - 12 và cung cấp công cụ quản lý, hỗ trợ giảng dạy bài giảng e-learning trên phần mềm quản lý bài giảng trực tuyến.
Sở đã tổ chức thực hiện thí điểm thi, kiểm tra, đánh giá trực tuyến, chuyển kết quả tự động sang phần mềm quản lý trường học trực tuyến tại một số trường THPT. Dự kiến, năm học 2019 – 2020 sẽ triển khai ra diện rộng các trường học trong toàn tỉnh.
“Số hóa” ngành giáo dục
Không chỉ tích cực áp dụng CNTT vào công việc giảng dạy, ngành giáo dục Quảng Ninh còn nỗ lực hiện đại hóa các khâu thủ tục, hành chính như triển khai phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, triển khai chữ ký số tại Sở và các phòng GD&ĐT.
Quảng Ninh cũng có những bước tiến áp dụng học bạ, hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy, chuyển dữ liệu tự động lên phần mềm cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT.
Hiện nay các buổi giao ban trực tuyến toàn tỉnh hằng tháng qua hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến chuẩn HD kết nối từ Sở GD&ĐT đến tất cả các địa phương trong toàn tỉnh.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm học 2019 - 2020, tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung các cơ sở dữ liệu thành phần của cấp học, bậc học, tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của toàn ngành Giáo dục, tiến tới sử dụng thống nhất toàn ngành một hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ thông tin quản lý giáo dục.
D. An