Khoảng gần chục năm trở lại đây, vào ngày vía Thần Tài, tại các cửa hàng vàng thường xuyên xuất hiện cảnh hàng ngàn người xếp hàng mua vàng cầu may. Lượng người đổ đến cửa hàng vàng đông nghịt, bắt đầu từ 3-4 giờ sáng cho tới 12 giờ đêm. Thậm chí, nhiều người còn đi mua, hoặc đặt mua trước từ ngày mùng 9 tháng Giêng để tránh cảnh đông đúc.
Vậy mua vàng vào ngày Vía Thần Tài cần lưu ý những gì để vừa để được may mắn cả năm, đồng thời có giá trị tích luỹ?
Theo các chuyên gia vàng, trên thị trường hiện nay vàng thường được chia thành các loại như: vàng miếng, nhẫn tròn trơn và trang sức và dòng sản phẩm mỹ nghệ vàng... Tuỳ vào nhu cầu của từng người mà lựa chọn mua loại vàng nào cho phù hợp.
Vào ngày Vía Thần Tài hàng năm, mọi người thường kéo nhau đi mua vàng cầu may mắm tài lộc cho cả năm |
Cụ thể, nếu khách chọn mua nhẫn tròn trơn 0,5-5 chỉ thì nên chọn loại ép vỉ để thuận tiện sau này mua đi bán lại sẽ không mất giá. Nếu mua nhẫn tròn trơn không ép vỉ khó xác định được chất lượng. Bởi nhẫn tròn trơn gia công do những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, không có đủ máy móc, công nghệ hiện đại nên có thể không đảm bảo đủ tuổi hay còn gọi là vàng non.
Riêng với vàng miếng khi mua trên miếng vàng sẽ có số seri, được ép vỉ giống như vàng nhẫn tròn trơn.
Với những người mua vàng chỉ để cầu may, sau đó cất tủ tích lũy chứ không bán ra thì có thể mua những sản phẩm hợp tuổi, hợp mệnh. Còn nếu muốn bán mà không bị lỗ thì nên mua vàng nhẫn tròn trơn hoặc vàng miếng.
Một lưu ý nữa là tuổi vàng. Với vàng nhẫn tròn trơn, tuổi vàng thường được khắc bên trong của nhẫn để khách dễ nhận biết. Do đó, khi đi mua vàng cần chú ý, tuổi vàng đúng chuẩn mặt bên trong của nhẫn sẽ có khắc số 999.9; còn nếu vàng non chưa đủ tuổi thường mặt trong sẽ khắc 999.0 (loại vàng này thường có giá thấp hơn giá vàng 999.9).
Các chuyên gia vàng cũng cho biết, dù là vàng nhẫn, vàng miếng, vàng trang sức khi đi mua cũng nên tìm đến các cửa hàng uy tín, lấy hoá đơn đầy đủ vì nó là giấy tờ chứng thực giao dịch của khách với cửa hàng, sau này cũng thuận tiện cho các giao dịch mua đi bán lại.
Tuy nhiên, khi mua vàng trang sức, khách thường phải chịu thêm chi phí làm (công đánh vàng). Số tiền này tuỳ thuộc vào mỗi sản phẩm, có loại trang sức chỉ hết 200.000-300.000 đồng/sản phẩm, nhưng có loại được làm tinh xảo thì tiền công lên tới hàng triệu đồng. Song, khi đi bán, khách sẽ bị lỗ khoản tiền này.
Còn đối với mỹ nghệ vàng (sản phẩm mạ vàng), khách có thể chọn mua sản phẩm theo phong thuỷ hợp tuổi, hợp mạnh. Nhưng sản phẩm này sẽ không có giá trị kho bán lại. Các cửa hàng cho biết, họ sẽ không thu mua lại sản phẩm mỹ nghệ mạ vàng. Thế nên, khách cần cân nhắc kỹ khi chọn mua, bởi mỗi sản phẩm loại này có giá từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng.
Sự tích và ý nghĩa ngày vía Thần Tài
Dân gian xưa tương truyền khá nhiều câu chuyện về Thần Tài gõ cửa, đem đến may mắn, tài lộc. Ví như nhiều người truyền tai câu chuyện kể rằng xưa có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần, được Thủy Thần cho một người gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt.
Trong một ngày Tết, vì một lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ.
Khi mua vàng cầu may, mọi người cũng cần lưu ý để chọn được những loại vàng phù hợp với nhu cầu của mình |
Người ta bảo Như Nguyện là Thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện, cũng chính vì thế mà bàn thờ Thần Tài thường nằm ở một góc khuất trong nhà. Theo điển tích này, trong 3 ngày Tết có tục kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất thần Tài ẩn trong đống rác.
Một sự tích khác lại kể rằng, Thần Tài là một trong những vị thần nổi tiếng của tín ngưỡng phương Đông chuyên quản thúc tài phúc của thiên hạ. Cho đến nay, giai thoại về ngày vía Thần Tài vẫn được lưu truyền như một câu chuyện đậm chất dân gian.
Chuyện kể rằng trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì. Đến khi tỉnh dậy thì quần áo bị lột sạch, mất trí nhớ không còn biết mình là ai.
Thần Tài đi lang thang xin ăn khắp nơi. May thay khi Thần Tài đi xin ăn thì được một cửa hàng bán gà, vịt quay mời Thần Tài ăn, từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng. Song, một thời gian sau, cửa hàng đó làm ăn sa sút, vắng khách do chủ nhà thấy Thần Tài không làm gì, ăn bốc nên không cho ở nữa.
Nhiều người kinh doanh khác biết chuyện giành mời Thần Tài về quán của mình. Theo đó, cửa hàng nào có Thần Tài vào ăn thì cửa hàng đó khách kéo đến nườm nượp. Vậy nên mới có câu “Thần Tài gõ cửa”.
Để tưởng nhớ, người ta chọn ngày vía Thần Tài là ngày Thần Tài bay về trời, tức ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Cũng theo tín ngưỡng dân gian, cứ vào ngày Vía Thần Tài, mọi người lại đi sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài để cầu xin làm ăn thuận lợi, phát đạt trong năm mới. Trong đó, mua vàng với mong muốn “buôn may bán đắt” là một phong tục không thể thiếu, bởi vàng là tượng trưng cho giàu sang và phú quý.
Dù sự tích về ngày Vía Thần tài đang gây nhiều tranh cãi khi một số chuyên gia cho rằng, đây là câu chuyện được giới buôn vàng dựng lên nhằm mục đích bán vàng thu lợi nhuận. Song, với nhiều người tin rằng, mua vàng trong ngày vía Thần tài và cất vàng trong két, trong ví hay để ở những nơi gần gũi với gia chủ sẽ mang lại tài lộc, sung túc cho cả năm.
Bởi, vàng không chỉ mua để cầu may mà trong tâm lý, thói quen của người Việt thì vàng vẫn được coi là kênh đầu tư và "giữ tiền" an toàn nhất. Nhiều gia đình luôn sở hữu một vài chỉ vàng đề phòng khi cần chi tiêu.
Lưu Minh (tổng hợp)