Theo bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), trung bình mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận từ 50-70 trẻ. Trong dịp hè, số lượng trẻ bị tai nạn tăng khoảng 15-20%. Trong đó, trẻ từ 3-9 tuổi thường gặp các loại tai nạn sinh hoạt như đuối nước, ngã cầu thang, ngã từ trên cao xuống. Mức độ chấn thương từ trung bình đến nặng. Một số trẻ tổn thương đa cơ quan, cột sống, não cần phải phối hợp đa chuyên khoa mới có thể cứu sống.

Thông thường, mọi năm đến thời điểm gần tựu trường (tháng 8), các tai nạn thương tích ở trẻ này sẽ giảm dần nhưng năm nay, số lượng trẻ gặp tai nạn sinh hoạt còn đang cao. Có ngày, khoa Cấp cứu tiếp nhận tới 3 trẻ từ 4-7 tuổi bị ngã cầu thang, chấn thương rất nặng, gãy cả tay chân, chấn thương đầu, phải mổ cấp cứu.  

Ngoài ngã cầu thang, đuối nước là loại tai nạn thương tích gặp nhiều trong dịp gần sát ngày tựu trường. Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang theo dõi sát sức khỏe của bé T.M. (4 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) bị đuối nước khi đi chơi ở khu du lịch.

Theo người nhà, sau khi tắm hồ bơi, mọi người và bé M. đi lên để thay quần áo. Không may, đang đi trên thành hồ, bé trượt chân té xuống khu vực hồ sâu nhưng người nhà không biết. Khoảng 2 phút sau, bảo vệ hồ bơi phát hiện, nhảy xuống vớt lên thì bé M. đã ngưng tim, ngưng thở. Bé được cấp cứu tại chỗ rồi đưa đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ can thiệp nội khí quản, cho bé thở máy, hồi sức tích cực. Khi bé có nhịp tim trở lại thì được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. 

Bác sĩ Phát cho biết, do ngưng tim, ngưng thở nên bé M. bị phù não, viêm phổi vì hít nước vào phổi, hiện đang có tiến triển tốt. Vị bác sĩ đánh giá việc bé tỉnh là rất ngoạn mục, điều này nhờ vào công tác cứu hộ tại hồ bơi và hồi sức, cấp cứu khá tốt tại bệnh viện tuyến dưới nên bé còn cơ hội sống.

Trước đó, một bé trai 7 tuổi đi vào quán cà phê gần khu trò chơi cùng bố mẹ thì bị đuối nước trong hồ cá quán cà phê. Bố bé kể, người lớn vừa uống cà phê vừa quan sát bé trai và người anh họ của bé chơi trượt cầu trượt. Vài phút sau, anh không thấy 2 bé liền đi tìm. Nghe tiếng kêu có trẻ bị đuối nước, anh chạy đến đã thấy con bất tỉnh.

Bé trai được bảo vệ cấp cứu tại chỗ rồi đưa đến bệnh viện địa phương. Nhận thấy tình trạng bé quá nặng, gia đình xin chuyển viện đến TP.HCM.

Trẻ nhỏ rất hiếu động, tò mò, thích khám phá xung quanh. Đặc biệt, khi được đi du lịch, trẻ có nhiều thời gian hơn, càng bị thu hút bởi những địa điểm mới. Các bé rất thích nước, chơi ở hồ bơi, ao hồ mà chưa ý thức được nguy hiểm. Với trẻ lớn hơn, khoảng 8-9 tuổi, thường thích rủ nhau chơi đùa, leo trèo, đặc biệt leo qua lan can cầu thang nên bị té ngã rất nhiều.  

day boi .png
Dạy bơi miễn phí cho trẻ. 

Bác sĩ Phát khuyến cáo phụ huynh không nên chủ quan bởi tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu người lớn không theo sát trẻ. Vị bác sĩ cho hay đã có nhiều tình huống phụ huynh bận nghe điện thoại hay vắng mặt 1-2 phút là đã xảy ra tai nạn. 

Khi tai nạn xảy ra, trẻ thường bị tổn thương thần kinh, chấn thương đầu, máu tụ, gãy tay, chân, gãy cột sống cổ, gãy xương chậu, đôi khi đi kèm theo vỡ gan, lách, thận… gây nguy hiểm, thậm chí tử vong. Nếu may mắn qua khỏi, trẻ rất có thể gặp di chứng như yếu liệt, di chứng về thần kinh… 

Phải luôn có người trông trẻ nhỏ

Việc trông trẻ phải đảm bảo luôn ở cạnh trẻ trong phạm vi 0,5m, luôn nhìn thấy, nghe thấy trẻ. Người trông trẻ không đọc báo, chơi bài, nói chuyện hay làm bất cứ chuyện gì ảnh hưởng đến sự phân tán tư tưởng.

Trong trường hợp bạn bắt buộc phải làm việc, hãy cho trẻ vào cũi. Bạn nên nói chuyện với trẻ trong lúc làm việc để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm.

Trong trường hợp có nhiều người trông trẻ và trẻ tham gia các hoạt động tập thể (như các bữa tiệc ở gần nơi có ao hồ, đi tắm biển tập thể…), cách tốt nhất là cử 1-2 người chuyên theo dõi trẻ và không làm việc gì có thể khiến họ phân tâm.

Tuyệt đối không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ bé hơn.

Đình Thành và nhóm PV, BTV