Máy bay do thám Global Hawk

Global Hawk được Trung tâm hàng không Ryan, thuộc Tập đoàn Grumman Northrop thiết kế và chế tạo. Giá mỗi chiếc máy bay này từ 10 đến 20 triệu USD tuỳ theo các trang bị phụ.

Global Hawk có khả năng hoạt động do thám trong phạm vi rộng đến 137.000km2, liên tục trong 36 giờ. Với các thiết bị sẵn có, nó có thể nghe trộm đường truyền tín hiệu. Bằng radar hay sóng hồng ngoại, nó đánh dấu các mục tiêu, sau đó ghi hình các hoạt động dưới mặt đất trong khu vực hoạt động.

{keywords}
Máy bay RQ-4 Global Hawk. Ảnh: AP

Quân đội Mỹ sử dụng Global Hawk để phát hiện, phân loại, theo dõi và giám sát đối phương từ xa mà vẫn rõ ràng. Được trang bị các kỹ thuật tối tân nhất cho dù rất tốn kém, Global Hawk giúp ích nhiều cho tình báo quân đội Mỹ trong nỗ lực thu thập những thông tin tình báo cần thiết.

Máy bay gián điệp EP-3 ARIES

Được gọi là "điệp viên trên không" với tên viết tắt là ARIES (Hệ thống Do thám điện tử hội nhập trên không), tuy là loại máy bay 4 động cơ cánh quạt bán phản lực, bề ngoài trông xấu xí, cũ kỹ, nhưng EP-3 có thể hành trình liên tục trong 12 giờ, với bán kính 6.000km không cần tiếp tế nhiên liệu.

EP-3 ARIES được trang bị những phương tiện kỹ thuật cao với các loại radar, thiết bị điện tử giám sát tầm xa, máy ghi thu băng và gây nhiễu. Thông thường, mỗi chiếc EP-3 ARIES có 24 nhân viên, 19 người trong số này là các chuyên gia hải quân, mỗi người có một nhiệm vụ tình báo riêng. Phi hành đoàn là những chuyên viên kỹ thuật giỏi, chuyên gia điện tử rành nhiều nghề, kiến thức cao, nên hoạt động rất hữu hiệu.

EP-3 ARIES có thể phát hiện những tín hiệu điện tử, truyền tin rất xa của mục tiêu cần do thám; có thể xoay các ăng-ten đến hướng cần theo dõi, cho dù máy bay đang bay theo hướng khác.

Nó có thể nhận các liên lạc vô tuyến và hữu tuyến qua các thiết bị điện tử do hãng Texas Instruments thiết kế. Các nhân viên có thể giải các bản mật mã, biết nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trên máy bay còn có một máy xử lý giọng nói tự động, có thể xác định ngôn ngữ của người đang nói, phân biệt được giọng nói, xác định được vị trí người đang nói (trên máy bay, tàu hay ở mặt đất).

Đa số các máy bay EP-3 do hải quân Mỹ điều hành, đóng tại các căn cứ Whidbey Island (tiểu bang Washington), căn cứ không quân Rota ở Tây Ban Nha và căn cứ không quân ở Okinawa, Nhật Bản.

Máy bay ném bom B-1B

Đây là loại máy bay duy nhất bay được vòng quanh thế giới nếu được tiếp nhiên liệu trên không nhờ phi cơ tiếp dầu KC-10. Mỗi chiếc B-1B trị giá khoảng 280 triệu USD.

B-1B được chấp nhận chế tạo từ năm 1970 cho nhiệm vụ mang bom nguyên tử vì nó có thể bay xa. Trước những tranh cãi về tính năng kỹ thuật cũng như phí tổn quá cao, năm 1977, Tổng thống Mỹ Carter cho ngừng chương trình sản xuất. Năm 1981, Tổng thống Reagan cho tiếp tục chương trình này trước những căng thẳng của Chiến tranh Lạnh.

Chiến tranh Lạnh kết thúc mà máy bay B-1 chưa được sử dụng, việc chở bom nguyên tử không còn cần thiết và dùng tên lửa có hiệu quả hơn. Tổng thống George W. Bush ra lệnh sửa chữa B-1B để mang bom thường. Lúc này, mỗi chiếc B-1B có thể mang 24 quả bom JDAM điều khiển bằng vệ tinh.

Với nhu cầu khoảng 60 chiếc, máy bay B-1B được bố trí tại các căn cứ lớn, ở trong nước là Ellsworth và Nam Dakota, ở nước ngoài là Diego Garcia.

Máy bay F-35 JSF

F-35 JSF là loại máy bay phản lực chiến đấu có khả năng cao trong nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu cũng như không chiến. F-35 là máy bay "độc nhất vô nhị" vì nó có thể lên xuống thẳng đứng như máy bay trực thăng. Đồng thời, nó được trang bị kỹ thuật của nhiều hãng: động cơ do hãng Pratt & Whitney chế tạo; hệ thống radar điện tử AESA do hãng Vision System International chế tạo; hệ thống đo lường điện tử do Snader Litton Amecon chế tạo; hệ thống xác định mục tiêu do Lockheed Martin chế tạo...

Điều đặc biệt nữa là giá cả loại máy bay này phụ thuộc vào lực lượng sở hữu nó: Loại cho không quân (cần khoảng 1.700 chiếc) có giá 28 triệu USD/chiếc; loại cho hải quân (cần khoảng 408 chiếc) giá 35 triệu USD/chiếc vì khác hệ thống lên xuống, cần có hệ thống bánh đáp với dây móc lớn hơn để được nhiều vũ khí hơn; loại cho hải quân đánh bộ (cần 480 chiếc), giá 38 triệu USD/chiếc vì hệ thống điều khiển đặc biệt hơn, cần có máy phản lực dưới thân để máy bay có khả năng lên xuống thẳng đứng hay có thể đứng một chỗ hoặc xoay tròn trên không như một chiếc trực thăng.

Hiện nay, ngoài Mỹ, các nước Nhật Bản, Canada, Đan Mạch, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Anh, Israel… đã sở hữu hoặc dự định mua loại máy bay tân tiến này. Tuy nhiên, chỉ có Mỹ và Israel đã sử dụng chúng trong chiến đấu.

>>> Đọc tin quân sự thế giới trên VietNamNet

Nguyên Phong

Mỹ tiếp tục đối thoại với UAE về thương vụ F-35

Mỹ tiếp tục đối thoại với UAE về thương vụ F-35

Mỹ đang cùng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cố gắng giải quyết những khúc mắc xung quanh việc bán tiêm kích F-35.

Mỹ triển khai nhiều chiến đấu cơ tới gần biên giới Nga

Mỹ triển khai nhiều chiến đấu cơ tới gần biên giới Nga

Không quân Mỹ những ngày gần đây đã điều một số chiến đấu cơ tới Romania nhằm “tuần tra không phận gần vùng biên giới Nga”.