Đến chùa Nổi làng Hoành Nhị thuộc xã Hoành Sơn, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định những ngày hè oi ả sẽ bắt gặp hình ảnh quen thuộc của một lớp học Hán Nôm. Đây là lớp học do nhà chùa mở ra với tâm nguyện sẽ lưu truyền những kiến thức căn bản về Hán Nôm trong giai đoạn hiện nay.

Điều đặc biệt của lớp học này là đa số các học viên đều đã lớn tuổi. Người nhiều tuổi nhất lớp năm nay đã 82 tuổi, người ít tuổi nhất là 37 tuổi.

Sư thầy Thích Đàm Thuỷ, trụ trì của chùa là người đứng ra giảng dạy cho chữ các học viên. Với vốn kiến thức Hán Nôm có được, sư thầy đã truyền tải đến các học viên những bài giảng thấm nhuần đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Ngay từ khi khai giảng, lớp học đã thu hút sự quan tâm của các cụ bô lão trong làng đăng ký tham gia. Sau hơn một năm học tập, lớp học đã hoàn thành chương trình bài khoá với 50 bài của cuốn giáo trình do sư thầy sưu tầm.

Đây là lớp Hán Nôm đầu tiên của huyện Giao Thuỷ được mở tại chùa nên lớp học nhận được sự quan tâm đặc biệt của Huyện uỷ, UBND huyện và chính quyền địa phương.

Lễ khai giảng lớp Hán Nôm tại chùa Nổi làng Hoành Nhị.

Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Nam Định, với tinh thần sự học không bao giờ là mệt mỏi; học mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, không phân biệt tuổi tác, lớp học đã lan toả đến các thế hệ thanh niên noi gương các cụ bô lão trong làng Hoành Nhị về việc học tập suốt đời.

Trong xã hội hiện nay, nhiều người lựa chọn cho mình những ngoại ngữ khác nhau để giao tiếp thuận lợi trong công việc nên chữ Hán Nôm có phần mai một. Những người am hiểu về Hán Nôm ngày càng ít, vì thế bên cạnh việc mở rộng kiến thức về Hán Nôm, các học viên còn là những người lưu giữ chữ Hán Nôm để truyền tải đến con cháu.  

Ở lớp học này còn có nhân vật đặc biệt là ông Nguyễn Xuân Nghinh, nguyên Bí thư Huyện uỷ Giao Thuỷ. Ông Nghinh là người giúp sư thầy trợ giảng, hướng dẫn các học viên trong lớp.

Ông Nghinh chia sẻ, trước đây, do tâm huyết với chữ Hán Nôm nên ông đã tự tìm hiểu, mày mò, nghiên cứu, để rồi cùng với nhà chùa mở lớp Hán Nôm, với mong muốn các cụ bô lão trong làng đều có thể đọc, dịch được các văn bia, câu đối, hoành phi… 

Ông Nguyễn Xuân Nghinh, nguyên Bí thư Huyện uỷ đang hướng dẫn các học viên của lớp những bài khoá trong giáo trình.

Các học viên trong lớp đều được rèn luyện từ cách cầm bút, cách viết bút thuận sao cho nét chữ được đều, đẹp. Học Hán Nôm đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, không được vội vàng; rèn luyện cho con người tính nhẫn nại, nho nhã, đoan trang nhưng cũng nghiêm khắc. Đồng thời hướng con người đến cái đẹp, cái tốt, cái thiện. Trước khi mở một cuốn sách, hay dịch một văn bia thì các học viên phải mặc áo the, khăn xếp như những ông đồ ngày xưa. Điều này rất truyền thống nhưng cũng rất hiện đại, giữ được cái đạo của nhà nho nhưng không cầu kỳ. 

Được biết, sư thầy Thích Đàm Thuỷ đã tốt nghiệp Học viện Phật giáo, được đào tạo bài bản về Hán Nôm nên có thể đứng lớp và đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp. Với suy nghĩ mọi người đều phải biết về Hán Nôm để hiểu được lịch sử của làng xã, để Hán Nôm có thể lưu truyền đến các thế hệ sau này và cần lan toả phong trào học tập Hán Nôm đến tất cả mọi người mà không bị thất truyền, sư thầy đã xin phép chính quyền các cấp được mở lớp dạy học cho những người có cùng sở thích.

Ông Vũ Văn Chương, Phó chủ tịch UBND huyện Giao Thuỷ tặng hoa chúc mừng lớp học.

Từ khi khai giảng đến nay, lớp học hiện tại có 14 học viên, học mỗi tuần một buổi vào ngày chủ nhật. Các học viên trong lớp đã có thể nhận biết một số mặt chữ phổ biến và có thể đọc dịch được những câu đối thường gặp.

Để hiểu về Hán Nôm thì phải học thường xuyên, đòi hỏi sự kiên trì, biết từng chữ và hiểu từng nghĩa. Vì thế, nhiều lúc các học viên lớn tuổi tỏ ra mệt mỏi nhưng với niềm đam mê về Hán Nôm, các học viên vẫn đều đặn đến lớp. Điều đó cho thấy, tinh thần học tập là không có giới hạn về tuổi tác, sức khoẻ, mà việc học là suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi.

Hy vọng lớp học Hán Nôm của trụ trì chùa Nổi làng Hoành Nhị huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định ngày càng mở rộng và được nhiều người biết đến tham gia học tập, nhất là thanh niên, để chữ Hán Nôm mãi mãi lưu truyền trong nhân dân.

Phạm Thiếu