Nhiều người tỏ ra mừng rỡ khi bước vào cuộc sống bình thường mới, nhưng Rachel (Singapore) lại cảm thấy kiệt quệ. Sau một thời gian dài làm việc tại nhà, nhà khoa học ứng dụng này phải quay trở lại văn phòng và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi con nhỏ của cô thường xuyên đau ốm.
Tháng 3 vừa qua, con trai cô bệnh nặng hơn 2 tuần do nhiễm virus đường hô hấp. Cậu bé nằm viện suốt 5 đêm với sự chăm sóc 24/7 của mẹ. Trong suốt thời gian này, Rachel suy sụp tinh thần và tất nhiên không thể đảm bảo công việc.
"Đồng nghiệp gửi email báo cáo nhưng tôi không thể trả lời họ. Cấp trên của tôi không giấu giếm sự khó chịu", cô chia sẻ.
Theo CNA, Rachel không phải bà mẹ duy nhất phải tìm cách cân bằng công việc và cuộc sống khi quay trở lại công sở sau đại dịch. Nhiều phụ nữ nuôi con nhỏ trong thời kỳ giãn cách xã hội cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức khi chuyển giao về công việc văn phòng.
Vừa làm mẹ, vừa làm nhân viên
Tiến sĩ Vivien Yang, nhà giáo dục và tâm lý trẻ em tại Bloom Child Psychology, cho biết việc quay trở lại văn phòng luôn là thách thức đối với phụ nữ có con nhỏ, ngay cả khi trước dịch. Đây là giai đoạn người mẹ phải cố gắng điều chỉnh tình cảm, thể chất và tinh thần của mình để đảm bảo cả 2 vai trò: làm nhân viên và làm mẹ.
"Phụ nữ xuất hiện nhiều tâm lý phức tạp như cảm giác tội lỗi khi phải xa con, lo lắng về việc cho con bú, kiệt sức vì thức đêm cùng con, đồng thời căng thẳng tìm cách đáp ứng nhu cầu công việc", bà nói.
Rời xa con nhỏ, phụ nữ rơi vào tình trạng tâm lý phức tạp. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Silvia Wetherell, cố vấn sức khỏe tâm thần tại Alliance Counseling, cho biết thêm trong một số trường hợp, áp lực công việc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn tâm lý và lo âu ở phụ nữ sau sinh. Xung đột giữa việc làm nhân viên và làm mẹ gây ra cảm giác tội lỗi, kém cỏi ở người phụ nữ, khiến họ tin rằng mình đang thất bại trong tất cả mọi việc.
Melanie Sim, chuyên viên truyền thông tại Singapore, chính là một ví dụ. Cô lo sợ rằng thời gian tại công sở sẽ khiến mình bỏ lỡ những thời khắc đặc biệt của con.
"Là một người mẹ, tôi có cảm giác tội lỗi khi không có đủ thời gian ở bên các con và không thể dành cho chúng đủ sự quan tâm. Tôi thích làm việc ở nhà để ít nhất có thể chào đón các con đi học về và dành vài phút với chúng giữa các cuộc họp", người mẹ có 3 đứa con lần lượt 2, 6 và 9 tuổi tâm sự, cho biết thêm không muốn chỉ nhìn thấy con qua camera an ninh.
Hay như Yvonne Yeo, giám đốc hoạt động của một khách sạn, cho biết việc đi công tác liên tục sau dịch chính là thách thức đối với mình và con trai. Từ tháng 2, cô thường xuyên phải đi làm việc xa nhà, mỗi chuyến đi kéo dài 3-4 ngày.
"Dù không đi quá lâu nhưng tôi rất nhớ con, luôn cố gắng gọi điện video cùng con mỗi khi nó đi học về và trước khi đi ngủ. Hai ngày đầu tôi đi vắng, con trai tôi vẫn chủ động hỏi tôi về chuyến đi. Nhưng đến ngày thứ 3, tôi nhận ra nó không còn quan tâm nữa, buộc tôi phải gây sự chú ý để con nói chuyện tiếp với mình", cô bày tỏ.
Kiệt sức vì kỳ vọng công việc
Nhiều người mẹ cũng phải vật lộn với những kỳ vọng lớn về công việc hậu Covid-19.
Daphne, giám đốc bán hàng có con gái một tuổi, cho biết: "Trong thời kỳ đại dịch, mọi người đều sống chậm lại và không ai gọi điện cho bạn vào lúc nửa đêm hay cuối tuần vì công việc. Tất cả dường như cảm thấy hài lòng với những cuộc họp online. Nhưng giờ đây, Singapore mở cửa hoàn toàn, mọi người lại gấp gáp hơn. Họ làm việc với 150% công suất để bắt kịp thị trường".
"Khách hàng giục giã 24/7. Nhiều người gọi cho tôi lúc 22h và nếu tôi không bắt máy, họ liên tục gọi lại. Mọi người đều yêu cầu được giải quyết vấn đề nhanh chóng nhất hoặc ngay lập tức. Họ cũng không muốn họp online mà chỉ muốn gặp mặt trực tiếp", cô kể thêm.
Theo Daphne, những điều kể trên gây mệt mỏi cho bất cứ nhân sự nào, nhất là đối với một bà mẹ có con nhỏ thường xuyên đổ bệnh như cô. Cách đây không lâu, cô phải cho con nhập viện một tuần vì đứa trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Không thể làm việc tại nhà như trước đây, Daphne vật lộn để vừa làm, vừa chăm con.
Theo các nhà tâm lý học, đại dịch làm các bà mẹ lo sợ hơn về sức khỏe của con cái. "Phụ nữ sợ mình nhiễm Covid-19 từ văn phòng, sau đó về lây bệnh cho con. Họ cũng lo virus làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ, bao gồm SARS-CoV-2 và nhiều loại virus khác như cảm cúm, TCM", Christine Kwek, chuyên gia tâm lý trẻ em tại Annabelle Kids, cho biết.
Phụ nữ gặp khó khăn khi vừa phải làm nhân viên, vừa làm mẹ. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels. |
Cần sự hỗ trợ
Sau thời gian gặp khó khăn với những chuyến công tác xa nhà, Yvonne Yeo nói chuyện với công ty và nhanh chóng được hỗ trợ. Theo đó, đối với các chuyến đi dài 2-3 tuần, cô được tài trợ để đưa theo con nhỏ và gia đình.
Theo chuyên gia Wetherell, các công ty thực sự cần thiết xây dựng chính sách làm việc mang tính hỗ trợ gia đình như vậy.
"Trong đại dịch, chúng ta có cơ hội để xem xét và điều chỉnh năng suất làm việc của một nhân sự từ xa. Tính linh hoạt trong công việc, ví dụ như tạm thời cho phép nhân sự làm việc luân phiên tại nhà 1-2 tháng, có thể là biện pháp hay", bà nói.
Ngoài ra, Wetherell khuyên các bà mẹ nên chủ động tìm ra giải pháp cho chính mình. Họ có thể nói chuyện với cấp quản lý, chia sẻ vấn đề của mình, đưa ra giải pháp có giá trị chung trong trường hợp bị phản đối.
Chuyên gia Christine Kwek đồng tình rằng sự hỗ trợ từ cả hệ thống là rất quan trọng. Phụ nữ nên chia sẻ vấn đề khó khăn của mình cho bạn bè, người thân, thừa nhận cảm xúc của chính mình và sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người liên quan.
"Một giải pháp khác rất hiệu quả đó là các bạn hãy trung thực với các con về tình hình của mình. Hãy để chúng biết mẹ phải trở lại văn phòng nhưng luôn nhớ và muốn dành thời gian cho gia đình. Điều này sẽ giúp những đứa trẻ thấu hiểu và giữ gìn sự thân thiết với mẹ", Sim chia sẻ.
Theo Zing