- Cười bẽn lẽn hơn cả những đứa con 4, 5 tuổi của mình khi được chụp ảnh, họ ngượng ngùng hôn con trước ống kính, nhưng mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc.

TIN BÀI KHÁC

Đó là những người cha, người mẹ của các em nhỏ học tại trường mầm non xã Vầy Nư, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Vầy Nưa là xã vùng hồ, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc. Người dân ở đây chủ yếu là người Dao, người Mường, có cuộc sống gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Từ sáng sớm, các bậc phụ huynh đã có mặt để tham dự

Cũng vì vậy, điều kiện để họ được chụp một bức ảnh, nhất là ảnh chung với con cái mình là hết sức hiếm hoi. Chương trình tình nguyện “Vầy Nưa Yêu Thương” từ ngày 3 – 4/ 5 do SV Viện Quản trị kinh doanh FSB (ĐH FPT) tổ chức tại đây đã lần đầu tiên mang đến cho họ cơ hội đặc biệt này. Nhận thông tin về chương trình liên hoan văn nghệ cùng các con tại trường, từ sáng sớm, các bậc phụ huynh đã có mặt để tham dự. Thế nhưng, khi được mời vào phòng học dự chương trình liên hoan văn nghệ cùng các con thì bậc cha mẹ nào cũng bất ngờ.

Những cái ôm, những nụ hôn “gượng” nhưng chan chứa niềm vui, niềm yêu thương của các bậc cha mẹ vùng cao

Vì ngại ngùng, họ đứng mãi bên ngoài hành lang lớp học để theo dõi các con mình ríu rít hát, múa, đọc thơ, kể chuyện. Phải rất khó khăn, những ông bố, bà mẹ vốn chỉ quen với cây ngô, cây sắn, con dao, cái rựa mới chịu “mạnh dạn” cùng con đứng trước ống kính. Dù thích lắm, nhưng họ “thẹn” vì không quen bày tỏ tình cảm với con cái trước chốn đông người.

Chị Lương Thị An – mẹ bé Thảo Huyền, học sinh lớp 4 tuổi tâm sự: “Hôm qua mình nghe có đoàn tình nguyện lên xã tặng quà cho các cháu nên từ sáng sớm đã đi đón con đang ở nhà bà ngoại cách đây hơn 10 cây số về cho đi học. Không ngờ cháu lại được vui như thế này!”. Chị ôm chầm lấy con gái, hôn con trìu mến khi được cháu tặng cho mấy cây kẹo mút. Ấy vậy mà khi máy ảnh vừa đưa lên, chị vội vàng thả con xuống đất, tay chân luống cuống. Cô con gái bạo dạn hơn, hồn nhiên bám chặt lấy mẹ, cười khanh khách.

Rất nhiều những nụ hôn bối rối, nhưng khoảnh khắc xúc động như thế đã được ghi lại trong những bức hình của nhóm SV tình nguyện

Cháu được chụp ảnh thì thích quá, nhất định không chịu rời mẹ, cứ muốn chụp mãi, chụp mãi, mắt tít lại vì cười. Gần đó, anh Bàn Văn Thạch đang nhễ nhại mồ hôi bế vỗ về cô con gái 5 tuổi. Anh Thạch cười không dứt, nhưng khi bảo anh “thơm” con để chụp hình, thì anh cứ lóng ngóng mãi. “Xấu hổ lắm” – anh cười từ chối, nhưng rồi cũng “cố gắng” đặt nhẹ lên má con một nụ hôn. Cô bé nũng nịu vùi mặt vào ngực bố.

Rất nhiều những nụ hôn bối rối, nhưng khoảnh khắc xúc động như thế đã được ghi lại trong những bức hình của nhóm SV tình nguyện. “Bình dị nhưng hạnh phúc thật. Em không ngờ được chụp ảnh với con cũng khiến họ vui đến thế. Với nhiều người, thì điều này thật hết sức bình thường” – một SV ĐH FPT chia sẻ.

Cha mẹ vượt khó cùng con đến trường

Theo cô giáo Đặng Thị Lan – GV trường Mầm non xã Vầy Nưa, vì hoàn cảnh khó khăn nên việc đưa con đến trường là một nỗ lực rất lớn của người dân nơi đây. Mặc dù tiền học phí các em được miễn, nhưng còn nhiều khoản đóng góp khác, tiền ăn cho các cháu… dù ít ỏi, nhưng cũng là cả một gánh nặng đối với những gia đình nghèo.


"Vì hoàn cảnh khó khăn nên việc đưa con đến trường là một nỗ lực rất lớn của người dân nơi đây"

Cô Lan nói: “Nhiều em gia cảnh khốn khó, chẳng có nổi một bộ quần áo tử tế. Có những em như em Huyền, em Linh, nhà rất nghèo. Trưa nào các cháu cũng về nhà ăn cơm vì bố mẹ không có tiền đóng tiền ăn – mỗi suất ăn trưa 8 nghìn đồng. Còn có cháu mấy ngày đầu bố mẹ cũng cố gắng đóng tiền cho cháu ở lại ăn trưa. Nhưng dần dần không có tiền đóng, nợ phiếu nhiều quá bố mẹ không trả được nên mới phải không cho ăn nữa... Có cháu bị tật nguyền, người ốm yếu, đi xiêu vẹo không vững... nhưng bố mẹ vẫn rất chịu khó động viên, đưa đón con đi học”.


Nhiều bậc phụ huynh chỉ dám đứng ngoài cửa nhìn ngắm các con em mình vui chơi, múa hát

Không những vậy, trong việc học tiếng Kinh của các cháu, bố mẹ góp phần không nhỏ giúp các cháu làm quen, học tiếng nhanh hơn. “Học sinh ở đây rất nhút nhát. Các cháu học ở đây một tuần, sau ngày thứ bảy, chủ nhật được nghỉ là lại quên hết. Nếu không có bố mẹ giúp dạy tiếng thì các cô còn vất vả hơn nhiều” - cô Lan cho biết.

Chị Bàn Thị Sinh, một trong số những phụ huynh hạnh phúc được chụp ảnh cùng con chia sẻ: “Cháu được đi học thì về nhà nhanh nhẹn hơn hẳn, không hay khóc nữa. Cứ buổi tối ngủ cùng mẹ, cháu lại ríu rít hát, kể chuyện... cho mẹ nghe, vui lắm”. Vì những niềm vui như thế, và vì mong ước con cái được chăm sóc đầy đủ, được học cái chữ, các bậc phụ huynh như chị Sinh vẫn gắng chắt chiu bằng mọi giá cho con đến trường.

Quỳnh Anh