Mường Lay nằm ở phía bắc tỉnh Điện Biên, có diện tích 114,03 km². Thị xã trước đây là thủ phủ của tỉnh Điện Biên, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và có nền văn hoá đặc sắc.
Mường Lay còn là cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, ngành Thái trắng ở Tây Bắc. Trên lộ trình xây dựng nông thôn mới cấp huyện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Mường Lay cũng đối diện không ít khó khăn, thách thức khi có xuất phát điểm thấp. Đặc biệt, sau khi thực hiện tái định cư phục vụ thủy điện Sơn La, bài toán thiếu đất sản xuất và tạo việc làm mới cho người dân càng trở nên khó khăn.
Kéo theo đó, việc hoàn thành 2 tiêu chí mang tính then chốt là “thu nhập”, “nghèo đa chiều” đảm bảo đạt chuẩn nông thôn mới một cách thực chất, bền vững là thách thức không hề nhỏ.
Ngay từ đầu năm 2011 khi bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới, thị xã đã xác định mục tiêu, lộ trình thực hiện cụ thể, rõ ràng. Trong đó, thành lập Ban Chỉ đạo nông thôn mới các cấp do bí thư cấp ủy làm trưởng ban; tất cả các thôn, bản đều thành lập Ban phát triển thôn, bản để tổ chức thực hiện. Từng thành viên Ban Chỉ đạo được phân công nhiệm vụ rõ ràng; chủ động xuống xã để chỉ đạo, hướng dẫn, nắm bắt tình hình, động viên và giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, bất cập.
Từ phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, thị xã đã nhân rộng, tổ chức tốt nhiều phong trào khác, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh; nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”… Từ đó tạo khí thế sôi nổi góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phát huy các nguồn lực huy động, thị xã Mường Lay đã tập trung đầu tư, triển khai các mô hình hỗ trợ sản xuất, giúp người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Qua đó phát triển toàn diện cả về phát triển đô thị cũng như vùng nông thôn. Cơ cấu kinh tế thị xã những năm qua chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 48,02%; dịch vụ thương mại chiếm 34,25%; công nghiệp xây dựng chiếm 17,73%.
Trong những năm qua, thị xã chú trọng khuyến khích các hợp tác xã và nhân dân tăng cường sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản của địa phương phục vụ nhu cầu của người dân trong, ngoài tỉnh và du khách. Đến nay, thị xã đã có 1 làng nghề truyền thống; có 3 sản phẩm của 2 hợp tác xã được xếp hạng sản phẩm OCOP là bánh khẩu xén, bánh chí chọp của hợp tác xã Hoa Ban Trắng và sản phẩm cá tép dầu sấy của hợp tác xã Na Lay.
Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn thị xã đạt 56,93 triệu đồng/năm (gấp 3,3 lần so với năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 8,09% (giảm 9,97% so với năm 2021). Riêng đối với xã Lay Nưa, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,02 triệu đồng/người/năm (gấp 3,9 lần so với năm 2012, gấp 1,8 lần so với trung bình khu vực nông thôn toàn tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 13,39% (giảm 2,69% so với năm 2012).
Bên cạnh đó, thị xã vẫn giữ được những nét đặc sắc rất riêng là điểm nhấn cho du khách khi đến với mảnh đất này. Đó là những "khu phố" nhà sàn lợp đá của đồng bào dân tộc Thái, ngành Thái trắng soi bóng xuống dòng Đà Giang, tạo nên một vẻ đẹp của "phố trong bản", "trên bến dưới thuyền". Hiện nay, Mường Lay là một trong số những địa phương có kết cấu hạ tầng đô thị đẹp nhất vùng Tây Bắc.
Thời gian tới, để phát huy tối đa tiềm năng du lịch lồng ghép với chương trình xây dựng NTM, thị xã đưa ra 12 nhóm giải pháp: Ngoài các giải pháp về nâng cao trách nhiệm của nhân dân và các cơ quan quản lý Nhà nước, thị xã sẽ tập trung vào phát triển du lịch văn hoá, du lịch sinh thái. Kết nối với các doanh nghiệp du lịch, thu hút khách đến với thị xã, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, hưởng lợi từ các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.