Nước trong chai đến từ đâu?
Theo Brightside, rất nhiều công ty thích in hình trên bao bì, hàm ý nói rằng nước bạn mua đến từ một dòng suối hay thác nước đẹp và trong vắt như tranh vẽ. Nhưng sự thật là không ít lần nước đóng chai mà bạn mua thực sự chỉ là nước máy được cho vào chai nhựa, giống hệt với nước bạn lấy từ vòi ở nhà mình. Điều khác biệt duy nhất là chiến dịch tiếp thị trị giá hàng triệu USD đằng sau nó.
Trên thực tế, một số chai nước cũng ghi chú trên thân với dòng chữ siêu nhỏ, nói rằng nước được lấy từ vòi hay các kênh cấp nước thông thường. Vì các công ty có nghĩa vụ phải giải thích rằng nguồn nước cho họ đến từ đâu. Bằng cách đó, chi phí để tạo ra nước mà bạn đang uống, ít hơn rất nhiều so với những gì bạn đang phải trả cho nó.
Một báo cáo cũng cho thấy gần một nửa số nước đóng chai thực sự có nguồn gốc từ vòi, nhưng có thể được xử lý thêm hoặc kiểm tra về độ an toàn. Trước đây, một số sản phẩm như Dasani của Coca-Cola, Aquafina của PepsiCo hay Pure Life của Nestle đã bị các nhà chức trách tại Mỹ buộc phải thay đổi nhãn mác nhằm phản ánh chính xác thông tin này.
Trong các thử nghiệm của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, có trụ sở ở Mỹ, khoảng một phần ba mẫu nước đóng chai cho thấy chúng vẫn tồn tại một số ô nhiễm, ví dụ như benzen, nấm mốc, dầu hỏa, tetrahydrofuran, chất khử trùng, styrene, choline, tảo và các hạt thủy tinh. Có nghĩa là nước đóng chai không tinh khiết hoặc an toàn hơn quá nhiều so với nước máy. Nhiều loại nước đóng chai đã bị thu hồi, mặc dù các chiến dịch tiếp thị luôn cố gắng làm cho chúng có vẻ tự nhiên, sạch và tinh khiết.
Cần nhiều nước để tạo ra một chai nhựa đựng nước hơn dung tích chúng có thể chứa
Trớ trêu thay, cần nhiều nước để sản xuất ra một chai nhựa hơn so với những gì nó sẽ chứa đựng. Cụ thể, cần khoảng 1,39 lít nước để sản xuất một chai nhựa có thể đựng 1 lít nước, theo báo cáo từ EPA (Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ). Tất nhiên, để sản xuất ra một chai đựng nước ngọt thì cần ít nước hơn, nhưng vẫn là rất nhiều trên quy mô lớn.
Và một bí mật nữa là hầu hết các chai nhựa không được làm từ nhựa tái chế. Mặc dù điều đó được nhà sản xuất ghi trên thân chai, nói rằng nó có thể tái chế nhưng hầu hết các công ty nước giải khát hàng đầu thế giới không sử dụng nhựa tái chế để làm chai mới. Trên thực tế, chỉ có 6,6% bao bì của các thương hiệu này được làm từ vật liệu tái chế và phần còn lại đều là nhựa nguyên chất.
Ngoài ra, rất nhiều nước bị lãng phí trong quá trình đóng chai tự động. Khi nước được lọc bởi các công ty đóng chai, số lượng lãng phí gấp khoảng 9 lần những gì được bỏ vào trong chai.
Việc chế tạo chai nước bằng nhựa cũng tạo ra hàng triệu tấn CO2, góp phần không nhỏ vào sự thay đổi khí hậu. Chưa kể hầu hết nước đóng chai được vận chuyển bằng xe tải, đường sắt hoặc tàu thuyền, tương đương với việc rất nhiều nhiên liệu hóa thạch được đốt để di chuyển chúng.
Gần như không thể phân biệt được hương vị của nước đóng chai
Một số người nói rằng họ có thể phân biệt được vị của nước đóng chai với nước máy, hoặc giữa các loại nước đóng chai khác nhau. Nhưng điều này thực sự khó.
Theo kết quả của nhiều thí nghiệm khoa học, hầu hết mọi người không thể nói lên sự khác biệt giữa chúng. Một trong những nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi các sinh viên tại Đại học Boston, cho thấy một phần ba những người tham gia thử nghiệm hương vị không thể xác định chính xác đâu là nước đóng chai, đâu là nước máy.
Không nên tái sử dụng chai nhựa
Theo Brightside, một số loại chai nhựa đựng nước có thể tiết ra hóa chất nguy hiểm, bởi giống như các nguồn nhựa khác, nguyên liệu làm ra chúng là các sản phẩm phụ của dầu thô. Vì vậy, hãy chú ý đến các dấu hiệu đặc biệt ở phía dưới đáy chai. Đó là những hình tam giác được đánh số, cho biết loại nhựa nào đã được sử dụng.
Một chai có nhãn 1 (PET hoặc PETE) sử dụng nhựa chỉ an toàn cho một lần sử dụng. Khi tiếp xúc với oxy hoặc nhiệt độ cao, bao gồm cả nhiệt từ mặt trời, loại chai nhựa này sẽ thải ra các chất độc hại vào trong nước. Người dùng cũng nên tránh các chai có nhãn ghi số 3 hoặc 7 (PVC và PC) vì chúng cũng tiết ra các hóa chất độc hại, có thể xâm nhập vào thực phẩm và đồ uống. Thậm chí, việc tiếp xúc lâu dài với loại chai nhựa này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Chai làm bằng polyetylen (số 2 và 4) và polypropylen (số 5 và PP) phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng. Chúng tương đối an toàn nếu bạn chỉ lưu trữ nước lạnh và thường xuyên khử trùng.
Vi khuẩn và cách uống nước đúng cách
Theo các nhà khoa học, uống nước từ một chai nhựa đã qua sử dụng gần giống như việc bạn đi liếm bồn cầu trong nhà vệ sinh, đồ chơi của chó hay thậm chí là những việc tệ hơn. Bởi lượng vi khuẩn trong các chai như vậy thường vượt quá giới hạn an toàn. Chúng ta thường tự tạo ra các điều kiện hoàn hảo cho vi khuẩn, vi sinh vật bằng cách mở nắp chai bằng tay bẩn, không rửa đủ sạch và giữ nước ấm trong đó.
Vậy cần làm gì sau khi uống nước? Hãy rửa chai thường xuyên bằng nước xà phòng ấm, giấm hoặc nước súc miệng kháng khuẩn.
Cũng theo Brightside, ngay cả khi đã rửa chai kỹ lưỡng, chúng ta vẫn có thể bị ngộ độc thực phẩm hoặc thậm chí là viêm gan A. Bởi các nghiên cứu cho thấy hầu hết vi khuẩn sống trên cổ chai, nắp chai, nơi mà bạn không thể rửa đủ sạch. Nắp chai vặn xoắn và nắp bấm trượt tạo điều kiện hoàn hảo để vi trùng đi vào dạ dày bạn cùng với nước. Để được an toàn, hãy sử dụng ống hút.
Nước đóng chai không thực sự giúp bạn khỏe mạnh
Theo Brightside, đây là một trong những quan niệm sai lầm khá phổ biến về nước. Các công ty nước đóng chai muốn thu hút thị trường mới, bao gồm những người trẻ tuổi và người thích thể thao. Vì vậy, họ quảng cáo nước đóng chai với các hương vị khác nhau được thêm vào, tuyên bố "nó tốt cho sức khỏe của bạn" hơn các loại đồ uống có đường khác.
Thực tế, đôi khi loại nước này có thể chứa nhiều đường không kém. Để không bị lừa bởi quảng cáo, hãy luôn luôn kiểm tra thông tin trên nhãn chai.
Phải mất 450 năm để các chai nhựa phân hủy
Hầu hết nhựa thường được cho là mất từ 70 đến 450 năm để phân hủy sinh học hoàn toàn. Nhưng các chai nước làm bằng polyetylen terephthalate (ký hiệu PET) gần như không phân hủy sinh học. Có nghĩa là chúng sẽ bị vỡ thành những mảnh nhỏ hơn, ở dưới đất hoặc trong đại dương và cuối cùng có thể gây hại cho đời sống của các sinh vật biển.
Tổ chức Greenpeace ước tính rằng 12,7 triệu tấn nhựa có điểm đến cuối cùng ở các đại dương, mỗi năm. Nó phổ biến đến mức khoảng một nửa số rùa biển trong đại dương bây giờ đã ăn nhựa. Bởi vì chỉ cần một mảnh nhỏ cũng có thể giết chúng. Nhựa cũng đi vào chuỗi thức ăn của con người, dưới hình thức vi nhựa, hay những mảnh nhựa siêu nhỏ.
Thị trường nước đóng chai khổng lồ đến mức nào?
Việc tiêu thụ nước đóng chai trên toàn cầu đã tăng vọt trong nhiều năm qua. Thị trường này đã tăng từ dưới 200 tỷ USD trong năm 2014 lên gần 300 tỷ USD vào năm 2019. Đến năm 2021, nó được dự đoán là trị giá 350 tỷ USD, sau khi tăng trưởng 10% mỗi năm .
Theo Guardian, mỗi phút, 1 triệu chai nhựa đựng nước được mua trên khắp thế giới. Đó là khoảng 20.000 chai mỗi giây. Những con số đáng kinh ngạc này được cho là xuất từ từ các lo ngại về nguồn nước bị ô nhiễm ở một số khu vực nhất định, thu nhập trung bình tăng lên cùng văn hóa di chuyển ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu.
Cuối cùng, một sự thật trớ trêu là trong năm 2014, ngành công nghiệp nước đóng chai đã tạo ra doanh thu khoảng 13 tỷ USD. Cũng trong thời điểm này, người ta ước tính rằng cuộc khủng hoảng nước toàn cầu sẽ tiêu tốn 10 tỷ USD để giải quyết. Điều này có nghĩa, trên lý thuyết, tất cả số tiền thu được từ nước đóng chai có thể giải quyết hoàn toàn cuộc khủng hoảng nước trên toàn cầu. Đáng tiếc rằng, sẽ không ai làm như vậy.
Theo GenK