Sự việc 4 người trong một gia đình (tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) tử vong vào tháng 5/2022 nguyên nhân được kết luận là ngộ độc khí Sunfua hydro (H2S). Theo đó, gia đình sống trong căn phòng trọ hơn 16 m2 với không gian chật hẹp, phòng mở điều hòa và đóng kín bít bùng. Làm nghề bán cá hấp, các nạn nhân thường xuyên đun nấu bằng bếp gas trong phòng, dễ xuất hiện tình trạng cá ươn, cá cũ, ruột cá, vảy cá… bốc mùi sinh nhiều khí H2S khi đun nóng. Khi kết hợp với máy lạnh, khí H2S lan tỏa khắp gây nên cái chết cho 4 nạn nhân.

Phòng trọ nơi xảy ra vụ việc 4 người tử vong do ngộ độc H2S ở TP.HCM

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, hàng năm, tại Việt Nam xảy ra nhiều vụ ngộ độc khí H2S do người dân tiến hành nạo vét giếng, thau rửa cống…

Tháng 5/2021, một vụ tử vong do ngộ độc khí H2S cũng xảy ra ở Gia Lai. Nạn nhân là anh Siu Mang (SN 1988). Vào chiều 15/5, anh Mang đu dây xuống giếng đã cạn nước, sâu khoảng 25m và bị ngạt khí, nằm bất động dưới đáy giếng. Khoảng 30 phút sau, 1 người hàng xóm xuống cứu nhưng cũng bị ngạt nằm dưới đáy giếng.  

Thấy vậy, 2 người đàn ông hàng xóm khác cũng định xuống giếng cứu nhưng chỉ khoảng 15m là phải trèo lên do có biểu hiện ngạt khí. Vụ việc khiến 1 người tử vong, 3 người phải nhập viện cấp cứu.

Vào năm 2019, trong quá trình trục vớt tàu chìm (Cần Giờ, TP.HCM), 5 thợ lặn cũng bất ngờ gặp nạn do ngộ độc khí H2S từ thùng hàng container bị bung ra. Cũng trong năm 2019, một người đàn ông ở Hoàng Mai, Hà Nội trong khi thau rửa bể nước cũng đã bị tử vong do ngạt khí.

Nguyên nhân các vụ tử vong là do khí Sunfua hydro (H2S) hay còn gọi là khí hầm hố. H2S là chất khí không màu, có mùi trứng thối, được sinh ra khi các chất protein bị thối rữa trong quá trình phân hủy một số loại chất hữu cơ, trong các hầm kín, giếng cũ, đường ống nước rác, hầm tàu, khoang chứa cá... 

“Đây là khí sinh ra ở trong môi trường tự nhiên được các vi trùng, vi khuẩn chuyển hóa từ các chất hữu cơ có trong lòng đất, rác thải. Tại các khoang, hốc, hầm, hố, giếng hoang để lâu, cống rãnh… thông khí kém, lâu ngày thường hay chứa các khí này. Khí H2S tích lũy ở đấy và khi chúng ta đi vào sẽ bị ngộ độc khí”, TS.BS Nguyên nói.

Hiện trường trục vớt tàu chìm ở Cần Giờ khiến 5 người gặp nạn do ngộ độc khí H2S.

H2S hấp thu rất nhanh vào cơ thể. Ở nồng độ thấp, chúng ta có thể ngửi thấy mùi thối nhưng nồng độ cao, khí gây liệt khứu giác, nạn nhân không kịp ngửi thấy mùi thối. Khí H2S gây suy hô hấp tế bào, ngừng hô hấp, các cơ quan não, tim… bị ảnh hưởng nặng nề. Nạn nhân nhanh chóng tử vong, độc tính và cơ chế tác động của H2S giống hệt Xyanua – một chất cực độc 

“Đây là khí tự nhiên nguy hiểm nhất, bệnh cảnh diễn biến nhanh, nặng nề, gây ra tử vong ngay lập tức cho người bị ngạt. Thế giới gọi đây là hội chứng “búa tạ” ở lò mổ” – gây ra cái chết nhanh chóng, TS.BS Nguyên thông tin. Điều nguy hiểm là người xung quanh không biết cách xử lý nên khi thấy nạn nhân bị ngạt, nối nhau vào cứu gây nên cái chết hàng loạt.

TS.BS Nguyên cũng chia sẻ cách xác định trường hợp ngộ độc khí H2S. Hoàn cảnh đặc trưng là nạn nhân xuống hầm hố, khoang hốc, hang, ống kín… để lâu ngày, bị ngất. Kiểm tra những vật dụng kim loại trên người bệnh nhân như cúc áo, trang sức, thắt lưng bằng kim loại (đồng, sắt, thiếc, bạc…) sẽ thấy bị xỉn màu do khí Sunfua hydro kết hợp kim loại. Đây là dấu hiệu đặc trưng của một vụ ngộ độc khí H2S. 

Ngoài ra, khí này gây kích ứng với niêm mạc nên thường mắt bệnh nhân sẽ xung huyết và đỏ dù người bệnh không cảm thấy đau, rát. Hiện, trên thị trường cũng có dụng cụ để đo khí này trong không khí. 

Theo TS.BS Nguyên, để hạn chế tai nạn ngạt khí người dân không nên vào những nơi khoang, hầm, hố để kín lâu ngày.  Người lao động tại các công trình phải có thiết bị bảo hộ lao động (bình dưỡng khí, bộ tự thở độc lập…). Trước khi vào những nơi như khoang, hầm, hố… nên tiến hàng mở thông thoáng ví dụ mở tung cống, cửa.

Cũng theo TS.BS Nguyên, chúng ta có thể dùng máy nén khí bơm dưỡng khí vào trong khu vực cần vệ sinh, sau đó mới tiến hành các thao tác khác để tránh nguy cơ ngạt khí.

Vụ 6 người trong gia đình tử vong: ‘Sát thủ thầm lặng’ dễ gặp ở nhiều gia đìnhKhí CO không màu, không mùi vì vậy được các chuyên gia cảnh báo là “sát thủ thầm lặng” gây nhiều vụ ngộ độc, tử vong thời gian qua.