Bản Công là xã vùng cao của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Nhờ phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là chú trọng lồng ghép các chương trình dự án với các mô hình phát triển sản xuất để nhân rộng, đồng thời nâng cao ý thức tự lập tự cường vươn lên của người dân nên đến nay bộ mặt nông thôn ở Bản Công có nhiều khởi sắc. Kinh tế chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. 

Cũng như nhiều xã khác của huyện Trạm Tấu, xã Bản Công đã luôn coi trọng cải thiện tiêu chí thu nhập cho người dân. Xã đã nỗ lực hỗ trợ người dân thoát nghèo từ các nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo trên địa bàn được sử dụng hiệu quả, thiết thực và đúng mục đích. Bên cạnh đó xã cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để các hộ biết cách làm ăn, phát triển kinh tế hộ.

Trong phát triển kinh tế, địa phương tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa một số loại giống mới vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi diện tích, cơ cấu giống cây trồng; rà soát, bổ sung diện tích trồng cây hàng năm khác, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, sang trồng cây khoai sọ, măng sặt, dưa Mông (chủ yếu tập trung ở các thôn: Bản Công, Kháo Chu, Sán Trá, Tà Xùa, Tà Chử); vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật vào canh tác, tập trung cải tạo đất để tăng giá trị diện tích. 

Mô hình trồng khoai sọ được xem là hướng đi mới để giúp người dân thoát nghèo bền vững. Từ 10 hộ ban đầu, đến nay, hầu hết các gia đình trong xã đều trồng khoai sọ với diện tích đạt trên 110 ha. 

Nhờ đó năm 2023, tổng sản lượng lương thực của xã ước tính đạt 2.249 tấn; tổng đàn gia súc chính có 2.841 con; 222 ha chè Shan và 812 ha cây sơn tra dưới tán rừng tự nhiên; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân hàng năm trên 7,73%; số lao động được đào tạo việc làm mới 110 người/năm. 

Không chỉ tập trung vào nông nghiệp, Bản Công còn chú trọng khai thác một số tiềm năng thế mạnh độc đáo của vùng Tây Bắc như dãy Tà Xùa hùng vỹ, ruộng bậc thang bát ngát, những con suối chảy từ thượng nguồn.... phát triển dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc qua các loại hình du lịch, thương mại dịch vụ phù hợp để góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội.

W-taxua.png
Dãy Tà Xùa hùng vỹ

Được biết, xã đã thành lập các tổ, đội đưa đón khách du lịch tham quan; làm tốt công tác quảng bá hình ảnh nhằm phát triển loại hình du lịch mạo hiểm leo núi săn mây. Phấn đấu đến năm 2025, Tà Xùa đón trên 7.500 lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 6 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2020”.

Đó là những tiền đề quan trọng để Bản Công xây dựng thành công nông thôn mới trong thời gian tới.