Người mẹ trong bức hình gây chú ý ngày Tết cho biết, chị không ngờ buổi làm việc của hai mẹ con lại lọt vào ống kính và được chia sẻ trên mạng.
Khoảnh khắc em bé phụ mẹ đẩy xe rác do tác giả Hồ Hải Hoàng ghi lại mới đây thu hút hơn 15.000 like (thích) cùng hàng nghìn bình luận xúc động.
Trước sự quan tâm của cộng đồng mạng, chị Trương Thị Thơm (sinh năm 1988) - người mẹ trong bức ảnh - tỏ ra khá bất ngờ. Chị cho hay, nhiều bạn bè, đồng nghiệp mấy hôm nay liên tục hỏi han, chia sẻ với hai mẹ con.
Hình ảnh em bé phụ mẹ làm việc gây xúc động ngày Tết. Ảnh: Sóng Nghệ. |
'Tôi vui khi nổi tiếng trên mạng'
Trưa mùng 3 Tết, nữ công nhân vệ sinh môi trường của hợp tác xã Thành Công rời phòng trọ, chuẩn bị cho ca làm việc buổi chiều tại đoạn đường cầu vượt Mễ Trì. Trong khi đó, cô con gái 5 tuổi nằng nặc đòi đi cùng mẹ quét rác. Không nỡ để con ở một mình, chị Thơm đành mang bé theo.
Người mẹ trẻ không ngờ buổi làm việc này lại lọt vào ống kính của anh Hồ Hải Hoàng - phụ trách Hội cổ động viên Việt Nam VFS tại miền Bắc. Bức ảnh cô bé 5 tuổi đẩy xe rác cho mẹ ngay lập tức trở thành tâm điểm trên mạng trong những ngày đầu năm.
Chị Thơm (phải) được đồng nghiệp cho xem những bức ảnh của mình tràn ngập trên mạng xã hội. Ảnh: Ngọc Tân. |
Ở góc ảnh khác, bé Nguyễn Thị Trang - con gái chị Thơm - hăng hái cầm chổi quét lá trên vỉa hè. Người mẹ 8X không hay biết việc làm của con vì khi đó, chị đã đẩy xe rác ra nơi khác.
“Tôi thật sự cảm động vì hai mẹ con trước giờ chẳng có mấy bước ảnh chụp cùng nhau. Nay may mắn được chú nhiếp ảnh 'lì xì' cho một bức ngay đầu năm mới” - chị Thơm chia sẻ.
Bà Ngô Thị Vân - tổ trưởng tổ công nhân vệ sinh tại hợp tác xã Thành Công - cho biết, suốt hai ngày qua, điện thoại bà liên tục đổ chuông vì nhiều người gọi đến hỏi thăm nhân viên của mình.
Nói về gia cảnh chị Thơm, bà Vân tâm sự, nữ công nhân phải làm đủ nghề, trước khi có công việc ổn định tại hợp tác xã.
Tuổi thơ gặp không ít khó khăn, người mẹ trẻ này từng đi làm thuê ở cái tuổi mà bạn bè đồng trang lứa nô nức vào đại học. Bắt đầu với công việc bưng bê ở quán phở, chị Thơm chuyển qua nghề dọn nhà, rồi bán hàng nước. Có đợt, chị vào miền Nam làm trong khu công nghiệp khoảng hai năm. Song do lương không đủ sống, chị lại quay về Hà Nội.
Sau nhiều năm bươn trải, đến năm 2006, chị lấy người chồng quê Thái Nguyên và có hai đứa con. Cậu con lớn hiện học lớp 2 và cô con gái mới 5 tuổi.
Anh Hồ Hải Hoàng - chủ nhân các bức ảnh gây chú ý trên mạng - cho biết, anh gặp hai mẹ con chị Thơm trong chuyến đi chơi xuân chiều mùng 3 Tết.
“Tình cờ bắt gặp cô bé ngồi một mình ngoài đường, tôi nhìn sang bên kia thấy một chị lao công đang quét lá cây. Tôi đã quyết định quay lên cầu vượt ghi lại những hình ảnh đó” - anh Hoàng nói.
Sau đó, vào trưa nay (12/2), anh đã tìm đến tận phòng trọ của chị Thơm ở làng Phú Đô để thăm hỏi và in một bức ảnh hai mẹ con để "lì xì" cho bé Trang.
Hai mẹ con chị Thơm trong gian phòng trọ. Ảnh: Sóng Nghệ. |
"Vào căn phòng chị ấy ở, không có đồ vật gì giá trị ngoài chiếc tivi cũ, chẳng đào, chẳng quất. Chồng thì ly thân đã lâu, một mình chị nuôi hai con nhỏ. Ngày đi lao công, đêm về chị đi bán thêm nước chè mong có đôi đồng cho con ăn học" - anh Hoàng kể về gia cảnh của nữ công nhân.
Nhiều người liên hệ bày tỏ sự xúc động, thương cảm nhưng chị Thơm luôn đối đáp một cách lạc quan, yêu đời. Hai mẹ con đều vui vì bất ngờ gây chú ý.
Họ nhìn nhận sự nổi tiếng khá hồn nhiên, không mưu cầu lợi ích. Chị Thơm cho hay, chị hài lòng với công việc quét rác, mong nghề này giúp chị đủ tiền nuôi con cái ăn học bằng người.
Giọt nước mắt trước đêm giao thừa
Mỗi ngày quét rác về không thấy con, chị có buồn không? - Quét rác về, em lại chuẩn bị bàn ghế bán hàng nước buổi tối. Nhiều hôm khách ngồi đến 12h đêm, dọn hàng xong ngủ được một chút, 5h sáng lại dậy đi quét rác. Đầu tắt mặt tối với việc mưu sinh, cũng chẳng có thời gian mà buồn. |
Những công nhân vệ sinh môi trường như chị Thơm đều phải thay nhau “trực chiến” ngày Tết. Ca làm việc của chị kéo dài từ chiều đến tối giao thừa, sau đó được nghỉ mùng 1 và lại tiếp tục từ mùng 2.
Nghề vất vả với mức lương khoảng 3 triệu đồng, không có tháng lương thứ 13, nhưng chị vẫn chấp nhận vì không cần tất tả đi xin việc như nhiều năm trước.
Trong cuộc trò chuyện bên bãi tập kết rác, người mẹ trẻ tỏ ra ngập ngừng mỗi lần được hỏi về gia đình. Cuối cùng, chị tâm sự: “Mỗi cây mỗi hoa, 8 năm rồi, mấy mẹ con chưa đón Tết cùng bố”.
Cũng trong 8 năm ly thân, chị Thơm gửi con cho bố mẹ chồng ở Thái Nguyên, rồi xuống Hà Nội mưu sinh. Mỗi ngày đi làm về, chị lại gọi điện hỏi thăm việc ăn uống và học hành của các con. Nghỉ hè, nghỉ Tết là những dịp duy nhất cô con út được xuống Hà Nội ở cùng mẹ.
Tưởng như nữ công nhân tất bật mưu sinh, có thể quên đi nỗi nhớ con. Nhưng cũng có lúc, chị không cầm được nước mắt.
Buổi tối giao thừa, chị Lý - đồng nghiệp có nhà ở Hà Nội - quyết định trực thay, để chị Thơm về Thái Nguyên đón Tết với con gái. Người mẹ trẻ chia sẻ, suốt quãng đường gần 100 cây số, chị vừa lái xe vừa khóc. Chuông điện thoại liên tục reo vì cô con gái 5 tuổi sốt ruột mong mẹ về.
Theo Zing