Nguồn tin của Nikkei tiết lộ, HP đang làm việc với các đối tác để chuyển dịch sản xuất notebook, laptop sang Thái Lan, Mexico năm nay và Việt Nam năm 2024. Đây là động thái lớn đầu tiên của thương hiệu máy tính Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh lệ thuộc vào Trung Quốc.

Theo nguồn tin, sản lượng máy tính HP bên ngoài Trung Quốc sẽ đạt tối đa 5 triệu máy trong năm 2023. Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Canalys cho thấy năm ngoái, HP xuất xưởng 55,2 triệu máy tính trên toàn cầu, đứng thứ hai sau Lenovo.

Thái Lan hiện quy tụ một số nhà cung ứng máy tính cá nhân (PC), trong khi Mexico sẽ giúp HP phục vụ thị trường Bắc Mỹ tốt hơn.

Một nhân viên kiểm tra linh kiện laptop HP tại Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: NYT).

Trong tuyên bố hôm 17/7, HP xác nhận kế hoạch mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á và các khu vực khác, đồng thời bổ sung sản xuất PC tại Mexico. Trả lời Nikkei, HP khẳng định Trung Quốc rất quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Trước đó, hãng máy tính Dell triển khai chiến dịch quyết liệt nhằm loại bỏ chip “made in China” và giảm đáng kể linh kiện sản xuất ở Trung Quốc trên các sản phẩm của mình. Kế hoạch đa dạng hóa của Dell được tiến hành sớm hơn nhiều so với HP. Theo nguồn tin của Nikkei, ít nhất 20% laptop Dell sẽ được sản xuất tại Việt Nam năm nay. Về mặt linh kiện, phải đến cuối năm 2024, Dell mới có thể hoàn toàn bỏ được chip Trung Quốc.

Trong khi đó, Apple đã bắt đầu sản xuất MacBook tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên laptop Apple được lắp ráp bên ngoài Trung Quốc.

Nikkei nhận định, động thái của HP sẽ giúp Việt Nam và Thái Lan củng cố hệ sinh thái chuỗi cung ứng PC, biến Đông Nam Á trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn nữa với các nhà sản xuất máy tính đang tìm phương án sản xuất ngoài Trung Quốc do các bất ổn địa chính trị.

Theo một nguồn tin, HP không muốn ồn ào về kế hoạch dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Ngoài nguy cơ địa chính trị, HP còn cân nhắc các yếu tố như chi phí sản xuất tăng, khó khăn khi tuyển dụng lao động, chi phí nhân sự tăng.

HP đã sản xuất tại Trung Quốc hàng thập kỷ. Hãng máy tính số 2 thế giới bắt đầu biến Trùng Khánh thành trung tâm sản xuất laptop từ năm 2008. Acer và Asus cũng theo bước của HP, đề nghị nhà cung ứng chuyển sản xuất sang thành phố này, nơi có vô số các nhà cung ứng như Quanta Computer, Inventec, Foxconn. Ngày nay, Trùng Khánh đứng đầu Trung Quốc về xuất khẩu PC. Song, mặt trái là chuỗi cung ứng notebook bắt rễ quá sâu ở đây khiến nhiều chuyên gia trong ngành và nhà phân tích nhận định rất khó để dịch chuyển.

Mỹ là thị trường PC lớn nhất của HP và Dell với thị phần khoảng 31% và 40% tương ứng trong quý I, theo Canalys. Thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 7,5% và 8% tương ứng trong cùng kỳ. Lenovo và Huawei cùng nhau thống trị thị trường trong nước trong ba tháng đầu năm. Dell có lý do chính đáng để chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc vì 73% thị trường PC dùng trong khối chính phủ của Mỹ nằm trong tay hãng.

Nhà phân tích Kieren Jessop của Canalys nhận xét, mục tiêu chính của đa dạng hóa chuỗi cung ứng là giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng Mỹ - Trung hoặc tận dụng lợi thế trung tâm sản xuất mới nổi tại Việt Nam và Đông Nam Á. Theo ông, việc chuyển dịch không ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của các hãng máy tính Mỹ tại Trung Quốc nhưng có thể tác động tới các hồ sư dự thầu liên quan đến chính phủ.

“Một số cơ hội trong mảng giáo dục công lập hoặc chính phủ có thể mất vì lo ngại xoay quanh nguồn cung và sản xuất trong nước”, ông Jessop chia sẻ.

(Theo Nikkei)