Đa dạng lĩnh vực hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý vận hành, chế biến, bảo quản sản phẩm, bán hàng trên kênh thương mại điện tử là các hoạt động được nhiều HTX trên địa bàn tỉnh ứng dụng để tạo ra các sản phẩm ngày một chất lượng, cạnh tranh trên thị trường, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho thành viên HTX, người lao động trên địa bàn.

Trước đây, công việc mang lại thu nhập chính cho bà Lê Thị Xuyến là làm nông nghiệp. Tuy nhiên, từ khi HTX Sản xuất thủ công mỹ nghệ Minh Châu được ra đời trên địa bàn huyện Kim Sơn, bà đã tham gia làm việc tại HTX và gắn bó được 4 năm. Công việc nhẹ nhàng, ổn định nên bà rất phấn khởi.

HTX Sản xuất thủ công mỹ nghệ Minh Châu đi vào hoạt động từ năm 2019. Những năm qua, HTX không ngừng tìm tòi, đổi mới hình thức, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, nhờ đó, quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng. HTX có một số sản phẩm chính được làm từ cói như sọt đựng đồ, túi xách, đồ trang trí, treo tường rất được khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm còn được xuất bán sang các nước châu Âu, Trung Quốc, doanh thu hàng năm ước đạt khoảng 25 đến 30 tỷ đồng. Đến nay, HTX đang tạo công ăn việc làm cho 25 thành viên với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

 Để có thể hoạt động hiệu quả, đảm bảo công việc thường xuyên cho thành viên, người lao động, các HTX đã tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho khách hàng. Nhiều HTX đã xây dựng thành công các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, sản lượng tiêu thụ tốt, tạo điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

 Bà Phạm Thị Hòa - Giám đốc HTX Yến sào Huân Hòa, đóng tại huyện Yên Mô cho biết: “Hiện nay HTX đã áp dụng rất nhiều tiến bộ KHKT, máy móc hiện đại để sản xuất dây chuyền yến khép kín. HTX đang có 10 nhân công lao động làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng, tùy vào tay nghề của từng người.Thời gian tới, HTX sẽ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo nhiều công ăn việc làm cho công nhân”.

anh bai 22.jpg
HTX Yến sào Huân Hòa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tăng chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.

HTX Hợp Tiến xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh có 161 thành viên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 360ha, tổng tài sản là 7,2 tỷ đồng, HTX là một trong những điển hình của tỉnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp. HTX đã đầu tư và đưa vào hoạt động lò sấy thóc, công suất đạt từ 200 đến 300 tấn/vụ; đưa máy cuộn rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp sau thu hoạch. HTX luôn chỉ đạo và vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu giống lúa, nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác. Đồng thời, HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm liên kết tiêu thụ cho thành viên, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp như Công ty TNHH Á Châu (Thành phố Tam Điệp) và Công ty Phú Hương (Hà Nội) thực hiện bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Hiện nay khu vực kinh tế tập thể, HTX đang tạo việc làm cho đông đảo thành viên và người lao động trên địa bàn tỉnh. Hàng năm tạo hơn 1000 việc làm mới cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn. Có 2 Liên hiệp HTX và trên 60 HTX có các sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi  giá trị, doanh thu thu nhập của HTX và người lao động khu vực kinh tế tập thể đều tăng. Năm 2022 tổng giá trị tài sản của các HTX đạt hơn 3100 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 265 triệu đồng/HTX, thu nhập của người lao động đạt bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch kinh tế địa phương.

Có thể nói sự đổi mới, nhạy bén của các HTX là điều kiện để các thành viên, người lao động có cơ hội tiếp xúc với những máy móc, kỹ thuật hiện đại tiên tiến. Qua đó nâng cao tay nghề, trình độ sản xuất. Hiện nay, các HTX còn chú trọng trong việc tạo ra môi trường lao động an toàn, đảm bảo về sức khỏe để thu hút đông đảo người lao động tham gia, gắn bó lâu dài với công việc.

Khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đã thu hút hơn 337 nghìn thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân tham gia. Không chỉ sản xuất nông nghiệp, các HTX còn góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khi chủ động tham gia sâu vào chuỗi liên kết sản xuất từ hoạt động sản xuất đến chế biến sâu sản phẩm nông sản, làm tăng giá trị sản phẩm sản xuất ra và bảo đảm thị trường đầu ra ổn định cho nông sản, hàng hóa.

Thái Khang và nhóm PV, BTV