Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, đến nay trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ảnh minh họa

Để thực hiện tốt việc giải ngân vốn vay theo Nghị quyết, đơn vị đã phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tích cực rà soát các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn, cân đối, bố trí đủ nguồn lực để đáp ứng. Cùng với đó là làm tốt tuyên truyền các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 và thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong năm 2022 và 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm tại ngân hàng. 

Nhờ khẩn trương, quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, tính đến cuối tháng 11/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đã giải ngân được hơn 188 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng được vay vốn, đạt 99% kế hoạch tăng trưởng. 

Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 120 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở 48,2 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 16 tỷ đồng; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 là 3,8 tỷ đồng với 47 cơ sở được vay vốn. 

Nguồn vốn ưu đãi phần giải quyết "cơn khát vốn", giúp các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giảm bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Gia Viễn