Để về đích đúng hẹn vào năm 2025, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu hết năm 2024 có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 5 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 ở khu vực nông thôn ít nhất 0,5-1%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 8-10%/năm.

Theo đó, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc lập mới quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới, quy hoạch chi tiết trung tâm hành chính xã hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Ưu tiên đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thu mua, kết nối, cung ứng nông sản hiện đại, cơ sở hạ tầng chế biến, thương mại và dịch vụ gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình đảm bảo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có tại các địa phương. 

ninh sơn.png
Ninh Sơn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí về đích huyện nông thôn mới. 

Huyện Ninh Sơn tiếp tục đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn như giao thông, thủy lợi, điện, nhà ở, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại... gắn với tiêu chí xã nông thôn mới các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) và đặc biệt ưu tiên xã Ma Nới.

Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện với tỷ lệ đồng bào dân tộc Raglai chiếm 99%, có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các xã trong huyện; là xã cuối cùng của huyện phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2024. Hiện tại, Ma Nới chỉ đạt 13/19 tiêu chí, nhiều tiêu chí khó như: Nhà ở dân cư, Thu nhập, Nghèo đa chiều... chưa đạt.

Để giải bài toán này, nếu chỉ chờ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì rất khó, vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND huyện chỉ đạo địa phương lồng ghép các nguồn vốn nhưng phải đảm bảo không chồng chéo.

Trong năm 2024, UBND huyện đã phân bổ vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho xã Ma Nới với tổng kinh phí 2,32 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới nhà ở cho 50 hộ nghèo (định mức 46 triệu đồng/hộ); phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ xây dựng 8 căn nhà ở cho 8 hộ nghèo trên địa bàn xã.

UBND huyện cũng tiến hành rà soát hiện trạng cơ sở vật chất Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện theo yêu cầu của tiêu chí huyện nông thôn mới, ưu tiên bố trí, phân bổ nguồn lực và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để tổ chức triển khai thực hiện nhằm đạt chuẩn. Rà soát, bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp trong thời gian tới nhằm đạt chuẩn Tiêu chí số 7 về môi trường.

Song song với sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện Ninh Sơn cũng chú trọng công tác dân vận, từng bước thay đổi nếp sống, tư duy và trình độ sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những phần việc xây dựng nông thôn mới được lan toả rộng rãi trong đội ngũ cán bộ xã, thôn từ tiên phong hiến đất, góp ngày công để mở rộng nền, bê tông đường, đến thay đổi tập quán, thói quen sinh hoạt, canh tác gắn với dịch chuyển tư duy sản xuất “tự cung, tự cấp” sang tạo ra thu nhập, tạo sinh kế ổn định và bền vững. Từ đó, ý chí phát triển kinh tế, nỗ lực thoát nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới của người dân cũng ngày càng cao.