Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, các ngành, các cấp của tỉnh Ninh Thuận đã tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở.

Cùng với đó, ưu tiên phát triển, nâng cấp các đài truyền thanh xã có cụm loa hoạt động đến thôn và tăng cường phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh cấp huyện. Phát triển và duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính.

Ảnh màn hình 2024 09 08 lúc 21.49.24.png
100% số xã ở Ninh Thuận đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. 

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết, 100% số xã ở Ninh Thuận hiện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; phát triển thêm các điểm công cộng có wifi miễn phí, nâng tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

“Triển khai mô hình thí điểm xã thương mại điện tử Phước Thuận theo danh mục phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Ninh Phước đã chỉ đạo UBND xã Phước Thuận phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ trình huyện thẩm tra và trình Hội đồng Thẩm định liên ngành cấp tỉnh trong tháng 7/2024”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.

Tỉnh Ninh Thuận dồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để làm nền tảng trong xây dựng nông thôn mới. 6 tháng đầu năm 2024, với hơn 65 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và gần 49 tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ đối ứng thực hiện, các ngành, các địa phương ở Ninh Thuận đã phân bổ, triển khai đầu tư mới 20 công trình với tổng vốn đầu tư hơn 89 tỷ đồng; thực hiện 6 công trình chuyển tiếp với tổng nguồn vốn gần 8,5 tỷ đồng, đồng thời thanh toán 22 công trình đã hoàn thành với tổng nguồn vốn hơn 16 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Ninh Thuận đã huy động hơn 690 tỷ đồng để thực hiện các chương trình trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 88 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 79,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 272 tỷ đồng, vốn tín dụng 238 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 1,8 tỷ đồng, cộng đồng dân cư đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng, vốn khác hơn 8 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn Trung ương phân bổ trực tiếp cho chương trình, các địa phương đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; huy động người dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất… để xây dựng nông thôn mới.