Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 19.239 hộ/85.343 khẩu, đồng bào dân tộc Chăm, chiếm 11% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại 35 thôn, khu phố trên địa bàn 13 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố. Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận còn gìn giữ nhiều nghi lễ, làng nghề truyền thống. Đặc biệt là dấu mốc ngày 29/1/2022, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Người dân làng gốm Bàu Trúc nói riêng, đồng bào Chăm nói chung rất phấn khởi, tự hào về nghệ thuật làm gốm của dân tộc mình.

W-nghegom.png
Người dân làng gốm Bàu Trúc nói riêng, đồng bào Chăm tự hào về nghệ thuật làm gốm của dân tộc mình.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, để hiện thực hóa phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đang tập trung ưu tiên phát triển các nhóm sản phẩm đặc thù, mới lạ và bổ trợ. UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư tạo sức hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Để cụ thể hóa các giải pháp kích cầu du lịch, đẩy mạnh thu hút du khách những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tỉnh Ninh Thuận tăng cường hợp tác với thành phố Cần Thơ trên lĩnh vực văn hóa - du lịch; qua đó đẩy mạnh tăng trưởng, sớm đưa du lịch của tỉnh phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, nhân dịp Cần Thơ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, vào ngày 3 - 5/11 tới, Ninh Thuận sẽ tổ chức Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Cần Thơ năm 2023 với Chủ đề: “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”. Đây là cơ hội để tỉnh quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc cũng như các sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc thù của tỉnh đến với người dân, du khách trong, ngoài nước.

Dịp này, tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề thủ công truyền thống như: Trưng bày sản phẩm và trình diễn nghệ thuật làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc, nghề dệt thổ cẩm người Chăm làng Mỹ Nghiệp, các loại nhạc cụ đặc sắc của tỉnh; quảng bá du lịch của tỉnh thông qua chiếu video clip giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch, các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, tài liệu giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch hấp dẫn; giới thiệu các món ẩm thực đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh…

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức biểu diễn nghệ thuật và trình chiếu video clip giới thiệu về văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống của các dân tộc, giới thiệu về các điểm đến du lịch trên địa bàn; đồng thời trưng bày ảnh đẹp về du lịch, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh đến với người dân Cần Thơ và du khách.

Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Cần Thơ năm 2023 là một trong những sự kiện quan trọng nhằm tăng cường hợp tác giữa tỉnh với thành phố Cần Thơ trong việc quảng bá văn hóa, du lịch của hai địa phương cũng như các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Ninh Thuận là vùng đất hội tụ nhiều giá trị khác biệt, có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn bởi cảnh đẹp hùng vĩ, hoang sơ, hệ sinh thái phong phú, đa dạng, giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng độc đáo cùng với nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản có chất lượng của vùng đất nắng, gió… Đây sẽ là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp đến nhà đầu phát triển ngành công nghiệp “không khói”; đồng thời mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với Ninh Thuận.

Hằng Linh