Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, là địa phương có nhiều triển vọng phát triển kinh tế biển với nhiều ngành nghề đã góp phần nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tại Ninh Thuận, nhiều ngư dân ở địa phương đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền để đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày. Nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản, thời gian qua Ninh Thuận chủ động chuyển đổi các nghề kéo lưới, lưới vó, nghề lưới rê ven biển sang các nghề vây khơi, câu khơi kết hợp chụp mực, câu cá ngừ đại dương. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác trên các vùng cấm, sử dụng chất nổ, chất độc trong khai thác mang tính tận diệt. Chi cục Thủy sản tỉnh đã có các kế hoạch sắp xếp, cơ cấu ngành nghề phù hợp, giảm dần và tiến tới xóa bỏ các nghề khai thác thiếu tính bền vững. Nhờ đó, sản lượng khai thác thủy sản của địa phương vẫn tăng đều.

ninh thuan 1.png
Ninh Thuận tuyên truyền người dân khai thác hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển. Ảnh: Phương Thanh

Theo Cục tổng kê tỉnh Ninh Thuận, sản lượng thủy sản trong tháng 11/2023 ước đạt 4,9 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 3,7 nghìn tấn, tăng1,3%; tôm đạt 0,5 nghìn tấn, giảm 3%; thủy sản khác đạt 0,7 nghìn tấn, tăng 10,6%. Lũy kế 11 tháng, sản lượng thủy sản ước đạt 139,6 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 10,4 nghìn tấn, tăng 4,7%; sản lượng khai thác đạt 129,2 nghìn tấn, tăng 3,5%.

Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ nay tới năm 2025, Ninh Thuận đề ra mục tiêu chuyển đổi tàu cá hoạt động ở vùng ven bờ đang làm khai thác hải sản sang nghề dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí hoặc tham gia hướng dẫn du lịch trong khu vực bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và không vi phạm các quy định của pháp luật; Xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Ninh Thuận tiếp tục triển khai điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để cung cấp thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững; Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam phục vụ quản lý.; Tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả các bản tin dự báo ngư trường cung cấp cho ngư dân khai thác trên biển phục vụ khai thác hải sản hiệu quả.

Cùng với đó là đẩy mạnh, đổi mới công tác khuyến ngư theo hướng xã hội hóa, tăng cường sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ để đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới đối với ngư cụ, kỹ thuật khai thác, hầm bảo quản, trang thiết bị bảo quản sản phẩm trên tàu cá; Đầu tư, nâng cấp các cảng cá hiện có theo hướng đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần, neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn đào tạo nhân rộng các mô hình nghề cá giải trí, các mô hình chuyển đổi từ nghề lưới kéo, nghề rê thu ngừ sang các nghề khác đạt hiệu quả để người dân biết và tổ chức triển khai thực hiện. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Các hình thức tuyên truyền trên đài phát thanh, đài truyền hình tỉnh phối hợp với các phòng văn hóa thông tin các huyện để người dân tiếp cận được thông tin này.

Phương Thanh