"Dịch mà, Tết gì nữa..."
Gần 9h đêm 24 tháng Chạp, chị Nguyễn Thị Huyền (39 tuổi, quê Hà Tĩnh, ngụ quận Bình Tân) mới ra khỏi nhà máy. Những ngày cuối năm, chị cố gắng tăng ca đều đặn với hy vọng có thêm chút tiền chuẩn bị cho Tết. Hôm nay, chị lấy hết can đảm gọi điện báo với bố mẹ "xuân này con không về".
Vào TPHCM làm việc tại một công ty sản xuất giày dép gần 15 năm, mức lương hiện tại của chị Huyền khoảng 8 triệu đồng/tháng. Theo chị, con số này đã là "lương chết", không tăng thêm. Chồng chị phụ bếp ở quán nhậu, thu nhập còn thấp hơn. Chi phí cho hai con nhỏ đang tuổi ăn học luôn là nỗi lo thường trực, lúc nào cũng quanh quẩn trong đầu chị.
"Suốt 4 tháng dịch, tôi và chồng cùng thất nghiệp. Đời công nhân làm tháng nào ăn tháng đó chứ chẳng dư giả. Tôi phải vay mượn để xoay xở. Giờ mới đi làm lại được 2 tháng, nợ chưa trả xong, lấy đâu ra tiền về quê", nữ công nhân tâm sự.
Những năm trước, muốn về quê dịp Tết, chị phải mua 4 vé máy bay, hơn 16 triệu, thêm tiền quà bánh cho gia đình, tổng cộng gần 30 triệu đồng. Tết này, chị còn chẳng buồn xem giá vé máy bay.
Trong cảnh tương tự, năm nay chị Nguyễn Thị Kim Quyên (40 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ quận Bình Tân) cũng ăn Tết tại TPHCM. Làm công nhân 17 năm, chị kể, mức thu nhập hơn 8 triệu đồng mỗi tháng cứ nhận là đã phải chi phần lớn cho tiền nhà, sinh hoạt phí, gần như không dư dôi.
"4 tháng nghỉ dịch, tôi phải xin khất tiền trọ cả 4, mỗi tháng hơn 2 triệu đồng. Số nợ này tôi vẫn chưa trả hết nên chẳng dám về quê dù nhớ ba mẹ vô cùng. Dịch mà, Tết gì nữa...", chị Quyên rầu rĩ.
Ngậm ngùi đón Tết xa nhà
Năm ngoái, chị Huyền lãnh khoảng 11 triệu đồng tiền thưởng Tết. Năm nay, đến giờ chị còn chưa biết sẽ được thưởng bao nhiêu. Nhà máy chỉ thông báo cho công nhân, thưởng Tết sẽ giảm mạnh. Tết đã cận kề, chị Huyền vẫn ngậm ngùi vì chưa sắm được áo quần mới cho hai con. Chị cũng không sắm sửa thêm thứ gì cho nhà. "Cuộc sống còn trăm thứ tiền nên tiết kiệm đồng nào hay đồng đó, qua Tết còn đóng tiền học cho tụi nhỏ", chị Huyền nói.
Hỏi han khắp dãy trọ, chỉ có mỗi gia đình chị Huyền ở lại TPHCM ăn Tết. Chị Huyền, vì thế, lại càng tủi thân. Bố mẹ động viên chị "năm sau rồi về cũng được" nhưng chị chẳng dám hứa hẹn gì. "Có tiền mới về chứ làm sao tính trước được. Không về quê, tôi nhớ bố mẹ lắm nhưng đành chịu", chị Huyền sụt sùi.
Chị Quyên cũng muốn sắm sửa thêm ít đồ mới cho con, mua quà gửi về quê cho ba mẹ nhưng chưa dám vì thưởng Tết chưa đến tay. Công ty thông báo khoản thưởng của chị được 8 triệu đồng nhưng còn có thể thay đổi vào phút chót. Với nữ công nhân này, đây cũng là số tiền duy nhất dư ra sau một năm làm việc.
"Tết của gia đình tôi cũng sẽ như mọi ngày, chắc không sắm sửa gì. Năm nay còn được đón Tết đã may mắn rồi", chị Quyên nói.
Chị Huyền hay chị Quyên không phải là những người lao động tha hương hiếm hoi chọn đón Tết tại TPHCM sau một năm khó khăn vì đại dịch.
Hơn 420.000 công nhân ở lại TPHCM đón Tết Thông tin từ Liên đoàn lao động TPHCM, số công nhân ở lại thành phố Tết này khoảng 420.000 người, tăng hơn gần 130.000 người (khoảng 30%) so với năm trước. Một số đơn vị có số công nhân không về quê đông như các khu chế xuất, khu công nghiệp hơn 98.000 người, quận Bình Tân hơn 55.000 người, Quận 12 hơn 35.000 người... Ban đầu, ngành công đoàn thành phố dự kiến sẽ phối hợp với doanh nghiệp tặng 35.000 vé xe, tàu, máy bay cho công nhân về quê nhưng chỉ có khoảng 20.000 người đăng ký nhận hỗ trợ này. Dịp Tết, Liên đoàn lao động thành phố sẽ tổ chức "Tết sum vầy", họp mặt 10.000 gia đình công nhân không về quê do khó khăn và chi 7.000 tỷ đồng để tặng quà Tết cho người lao động. Lãnh đạo thành phố, liên đoàn lao động thành phố sẽ trực tiếp đến các phòng trọ, nhà máy thăm hỏi, chúc Tết người lao động... |
Theo Dân Trí
Người xa quê mong ‘vị Tết nhà’
Khi năm cũ dần khép lại, đặc biệt với một năm đáng nhớ như 2021, có lẽ nhiều người không khỏi bồi hồi, mong mỏi đón Tết để được sống trong không khí sum vầy bên những người thân yêu.