Cô gái 16 tuổi nằm nghiêng người trên chiếc đệm trải giữa nhà và nhấp từng ngụm một cách khó khăn. Giọng nói của cô rất yếu ớt, người chú phải ghé sát tai vào mới để có thể nghe rõ những gì cháu gái nói.
Souhayla, đã được giải thoát sau ba năm bị bắt giữ và bị hãm hiếp vô số lần, khi kẻ bắt cô bị tiêu diệt trong một trận không kích tại thành cổ Mosul, Iraq.
Chú của cô đã mời phóng viên tới bên giường của Souhayla để họ có thể ghi lại những gì mà hệ thống lạm dụng tình dục của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã làm với cháu mình. "Đây là những gì chúng đã đối xử với người dân chúng tôi", ông Khalid Taalo nói với các phóng viên của New York Times.
Souhayla ngồi bên ngoài túp lều của người chú ở Shariya, Iraq hôm 20/7. (Ảnh: Nytimes) |
Kể từ khi chiến dịch chiếm lại Mosul bắt đầu từ năm ngoái, gần 180 phụ nữ, bé gái và trẻ em thuộc nhóm người thiểu số Yazidi đã được giải phóng, theo Cục Giải cứu những người bị bắt cóc Iraq.
Những phụ nữ, được giải cứu trong hai năm đầu tiên sau khi IS giày xéo mảnh đất tổ tiên của họ, đã trở về với những vết nhiễm trùng, những ngón tay bị gãy và suy nghĩ tự sát. Tuy nhiên, giờ đây, sau ba năm bị bắt, những nô lệ tình dục như Souhayla còn "thân tàn ma dại" hơn nhiều và có dấu hiệu chấn thương tâm lý nặng nề.
"Rất mệt mỏi", "không có ý thức", "rối loạn tâm lý" là những từ ngữ mà bác sĩ Nagham Nawzat Hasan tại một phòng khám phụ khoa miêu tả về hơn 1.000 nạn nhân bị cưỡng dâm mà ông từng điều trị. "Chúng tôi từng nghĩ rằng những trường hợp đầu tiên rất khó khăn", bác sĩ Hasan nói. "Tuy nhiên những ca sau khi Mosul được giải phóng còn khó hơn nhiều".
Souhayla trốn thoát vào hôm 9/7, hai ngày sau khi một cuộc không kích làm sập một bức tường trong tòa nhà nơi cô bị giam giữ. Một bé gái Yazidi khác và kẻ bắt giữ cô đã bị chôn vùi, chú của Souhayla cho biết.
Vào thời điểm đó, cô bé vẫn đủ khỏe để trèo ra khỏi đống đổ nát và chạy tới trạm kiểm soát đầu tiên của quân đội Iraq. Khi nhìn thấy gia đình lái xe tới đón, cô đã chạy đến ôm chầm lấy người thân của mình. "Chúng tôi ôm lấy nhau, vừa khóc vừa cười mãi không dứt", chú ruột của Souhayla kể lại.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tiếng sau, cô bé đã ngừng nói. Khi tới trại tị nạn, nơi mẹ và đại gia đình của Souhayla đang ở đó, cô bé đã rơi vào tình trạng vô ý thức.
Các bác sĩ đã phải kê kháng sinh đường tiết niệu cho Souhayla. Cô bé cũng có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Cả gia đình và một trong số các bác sĩ từng kiểm tra cho Souhayla đều không thể lý giải được tình trạng tồi tệ này của cô bé.
"Cháu rất vui khi được ở nhà nhưng cháu không được khỏe", Souhayla thì thầm vào tai người chú khi được các phóng viên hỏi chuyện.
Tháng 3/2014, tổng cộng 6.470 người Yazidi, một nhóm người thiểu số chiếm 2% dân số Iraq, đã bị bắt có khi nhóm phiến quân IS càn quét tới thị trấn Til Qasab. Trong số những người bị bắt có cả Souhayla, khi đó mới 13 tuổi. Ba năm sau, 3.410 người vẫn bị bắt hoặc mất tích, Qaidi thuộc tổ chức giải cứu người bị bắt cóc cho biết.
Hiện chú của Souhayla, ông Khalid Taalo, đang dành cả ngày để chăm sóc cho cháu gái. Để đứng dậy, cô bé phải vịn vào một cột sắt chống đỡ túp lều của gia đình họ và được chú đỡ đằng sau. Tuy nhiên, sức khỏe của cô bé nhanh chóng yếu đi và ngã lại xuống đất. Chân của Souhayla không thể đứng vững trong suốt hai tuần sau khi trốn thoát.
Ngoài kiệt quệ về thể xác, các nhà chức trách cũng nói rằng những nô lệ tình dục mới được giải thoát cũng có dấu hiệu thấm nhuần tư tưởng mà IS tiêm nhiễm cho họ.
Hai chị em người Yazidi, 20 và 26 tuổi, đã tới trại tị nạn Hamam Ali 1, nơi họ gây sự chú ý vì từ chối bỏ khăn trùm ra mặc dù theo truyền thống phụ nữ Yazidi không phải che mặt.
Họ miêu tả những tay súng IS, những kẻ cưỡng bức họ là "chồng" và những "liệt sĩ", Muntajab Ibraheem, quan chức tại trại tị nạn kiêm giám đốc của Tổ chức Nhân đạo Bảo vệ Iraq cho biết.
Trên tay những phụ nữ này là những đứa trẻ được sinh trong lúc bị bắt làm nô lệ, cha của chúng chính là những kẻ cưỡng bức họ. Tuy nhiên, họ từ chối cho chúng ăn.
Một đoạn video được ghi lại trên điện thoại của kẻ buôn người cho thấy cảnh tượng khi hai chị em lần đầu tiên nhìn thấy gia đình mình. Người thân của họ đã chạy tới ôm chầm lấy những người phụ nữ hốc hác. Họ đã khóc.
Một ngày sau đó, khi các phóng viên tới thăm, họ không thể đứng dậy được và nằm im trên tấm đệm bên trong túp lều được che chắn bằng những bức tường nhựa. Người thân của hai phụ nữ này cho biết kể từ khi trở về cách đây hơn một tuần họ rất ít khi tỉnh dậy.
Sầm Hoa
Tổng thống Philippines bất ngờ dừng đánh IS
Tổng thống Rodrigo Duterte vừa tuyên bố dừng chiến dịch quân sự ở Marawi, viện dẫn lo ngại cho sự an toàn của khoảng 300 dân thường đang nằm trong tay phiến quân trung thành với IS ở một số khu vực.
Philippines vẫn giằng co quyết liệt với IS
Súng vẫn nổ ở thành phố Marawi và Tổng thống Rodrigo Duterte chấp nhận chờ thêm 1 năm nữa để kết thúc chiến sự.
Nổ súng ở sứ quán Israel tại Jordan
Hành động bạo lực đã cướp mạng sống của một người Jordan và khiến hai người khác, gồm một người Jordan và một người Israel, bị thương.
Cảnh tượng rợn người ở thủ phủ của IS
"Đường phố la liệt xác người chết..", những người chứng kiến cảnh tượng rùng rợn ở Raqqa kể lại.
Nỗi đau đớn của những em bé bị IS bắt cóc làm 'lá chắn'
Do bị bắt đi từ khi còn nhỏ, nên hiện nay, nhiều em không nhận ra bố mẹ, họ hàng của mình dù đã được người thân đến đón.
Cảnh bi thảm của phụ nữ ngoại lấy chồng IS
Hẹn hò cấp tốc, phụ nữ đánh nhau trong các ký túc xá nữ và những kẻ cuồng tín chỉ quan tâm tới tình dục...là những gì diễn ra với những phụ nữ kết hôn với quân khủng bố IS.