Với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư, Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 diễn ra từ ngày 21 - 24/8 tại Hà Nội thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu kiều bào trên toàn thế giới.

W-456576139_555465760320003_9069469123627207571_n.jpg
Các địa biểu kiều bào tham quan Nhà Quốc hội chiều 23/8.

Tại Hội nghị, các đại biểu kiều bào đã tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng và phát triển đất nước; trong đó có công tác bảo tồn, phát huy và gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào ở nước ngoài.

Tiến sĩ lịch sử Đại học Thành Công, Đài Loan (Trung Quốc) Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ: "Tôi rất vui vì được tham dự hội nghị, đó là cơ hội để chúng tôi được tham gia và đề xuất tâm tư nguyện vọng gửi tới Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, với công tác dạy và học tiếng Việt, chúng tôi mong được dạy tiếng Việt và thi tiếng Việt một cách bài bản, có chuẩn hóa".

Giáo viên tiếng Việt Phùng Mỹ Anh ở Đài Loan (Trung Quốc) bày tỏ: "Đây là lần đầu tiên tôi được về tham dự một hội nghị lớn như thế này. Những lần trước, tôi tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt, một số sự kiện thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. 

Đây là sự kiện thu hút nhiều đại diện kiều bào tham dự, vì vậy tôi được nghe mọi người chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn cũng như những giải pháp dạy tiếng Việt ở đất nước họ sinh sống. Qua đó, tôi có thêm kinh nghiệm, kiến thức cho bản thân để phát triển hơn nữa công tác dạy tiếng Việt ở Đài Loan”. 

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, giáo viên tiếng Việt tại Hà Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu cho biết: "Tiếng Việt ở Hà Lan không được coi trọng như các nước Đông Âu, do đó, tôi cùng các cô giáo tâm huyết luôn nỗ lực lan tỏa tiếng Việt và gìn giữ văn hóa Việt. Qua hội nghị này, tôi mong muốn tìm được sự giúp đỡ một cách mạnh mẽ hơn, tạo ra được liên kết lớn hơn để để lan tỏa được tiếng Việt. Khi đã có ngôn ngữ thì văn hóa cũng được lan tỏa hơn rất nhiều".

Cũng theo cô Lan Hương, hiện lớp học ở Hà Lan mới chỉ hoạt động ở dạng câu lạc bộ. Thời gian tới, cô sẽ đẩy mạnh và xây dựng thành trung tâm dạy tiếng Việt, văn hóa Việt một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.