Phát triển kinh tế số để phục vụ người dân, doanh nghiệp

Theo ghi nhận từ thực tế, thời gian qua, ngành TTTT Tây Ninh đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được giao, từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số (CĐS), góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tính đến tháng 10/2024, theo số liệu thống kê từ hệ thống đo lường trực tuyến EMC của Bộ TTTT, Tây Ninh có 91,98% thủ tục hành chính (TTHC) có phát sinh hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến là 42%; tỷ lệ trả kết quả dưới dạng trực tuyến (điện tử) là 92%. Công tác phát triển hạ tầng viễn thông được thực hiện hiệu quả, với 100% các cơ quan nhà nước được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Cáp quang, trạm BTS triển khai tới 100% ấp, khu phố.

Đơn vị cũng đã triển khai nhiều hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, như hệ thống thông tin giải quyết TTHC, hệ thống báo cáo thông tin kinh tế - xã hội, hệ thống quản lý văn bản (Egov), hệ thống họp không giấy tờ, hệ thống họp trực tuyến,… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành. Đồng thời, thúc đẩy CĐS góp phần thực hiện cải cách hành chính; từng bước tăng cường kết nối và giao tiếp; hỗ trợ phát triển kinh tế số, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân.

Xây dựng chính quyền điện tử 

Nghị quyết số 02-NQ/TU đã xác định mục tiêu tổng quát về CĐS của tỉnh Tây Ninh với tinh thần: “Phấn đấu vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện CĐS khá”.

W-Tayninh.png
Ảnh minh hoạ

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ngành đã tham mưu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là chú trọng tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về các dịch vụ công trực tuyến, chương trình CĐS.

Một số kết quả ban đầu có thể kể đến đó là: Đã tích hợp Cổng dịch vụ công với hệ thống Một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung của tỉnh, triển khai thống nhất từ tỉnh xuống tới cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành (Egov) được tích hợp chữ ký số bằng SIM di động và triển khai cho toàn hệ thống chính trị. Đã xây dựng Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng kết nối với Hệ thống an toàn thông tin Quốc gia (SOC). Địa phương cũng đã triển khai thành công app dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn là ứng dụng “Tây Ninh Smart”, cũng như xây dựng phiên bản App “Tây Ninh Smart” trên nền tảng Zalo Mini App Tây Ninh Smart trên zalo,…

Xây dựng chính quyền số giai đoạn 2026 - 2030

Với mục tiêu nằm trong nhóm khá về chỉ số đánh giá CĐS, Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, Tây Ninh cơ bản hoàn thành giai đoạn xây dựng chính quyền điện tử và chuyển sang xây dựng chính quyền số giai đoạn 2026 - 2030.

Với tinh thần tiếp nối thành công, Tây Ninh cũng xác định sẽ từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với thúc đẩy CĐS. Từng bước ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CĐS, thúc đẩy kinh tế số; xây dựng cơ chế khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đi đôi với phát triển hạ tầng số; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hạ tầng mạng, internet, hội nghị trực tuyến trong các cơ quan nhà nước; phát triển hạ tầng IoT; hạ tầng vật lý - số; hạ tầng CĐS.

Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin; tuyên truyền nâng cao nhận thức thông qua các chiến dịch truyền thông về CĐS; xây dựng các mô hình điểm về CĐS tại cộng đồng; phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng; huy động nguồn lực phục vụ CĐS từ doanh nghiệp công nghệ số, từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, hợp tác với các tập đoàn lớn về CĐS,…

Hoà Thành