Quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính

Ngày 12/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2146/QĐ- BTC phê duyệt Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) và ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1741/QĐ-TCT ngày 29/11/2021 về Kế hoạch chi tiết triển khai Đề án TMĐT tại Việt Nam.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 889/CĐ-TTg ngày 01/10/2022 về nâng cao hiệu quả thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Sau những chỉ đạo đó, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam; đã chính thức vận hành Cổng dữ liệu thông tin TMĐT từ ngày 15/12/2022 để tiếp nhận thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn từ các sàn giao dịch TMĐT…

Bộ Tài chính đã ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và truyền thông. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế chủ động làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công thương để phối hợp cung cấp thông tin về website, ứng dụng TMĐT; làm việc với một số đơn vị thuộc Bộ Thông tin và truyền thông để phối hợp khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới, danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số…

Tổng cục Thuế cũng đã phân công nhiệm vụ triển khai công tác kiểm tra đối với người nộp thuế bao gồm: 18 doanh nghiệp trong nước (6 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn TMĐT, 9 doanh nghiệp là trung gian thanh toán, 3 doanh nghiệp là Công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam) và 6 NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Các đơn vị đã tiến hành kiểm tra 15/18 doanh nghiệp trong nước hoạt động liên quan đến TMĐT, trong đó đã hoàn thành và ban hành Quyết định xử lý đối với 13 doanh nghiệp, với tổng số xử lý, phạt, truy thu thuế, lệ phí 129,1 tỷ đồng, giảm lỗ 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 113,9 tỷ đồng.

Đối với các NCCNN, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi 4 nhà cung cấp nước ngoài (Netflix, Spotify, Tinder, Amazon) yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Đối với Apple, Google, Tổng cục Thuế đã họp với các đơn vị để hướng dẫn kê khai, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu phương án xây dựng Quy trình chuẩn hóa, khai thác và sử dụng dữ liệu của các sàn TMĐT cung cấp. Đồng thời, đã kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ triển khai đề án TMĐT để triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu phối hợp các Bộ, ngành, tổ chức liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Thu hàng nghìn tỷ vào ngân sách

Thông qua việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số trong những năm gần đây, số thu từ hoạt động TMĐT đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tổng số thu TMĐT từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam trên toàn quốc từ 2017 đến nay là 1.380 tỷ đồng, số thu tăng nhanh qua các năm, đặc biệt từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, năm 2022 tăng mạnh với 716 tỷ đồng, bằng 274% số thu năm 2021 (tăng 455 tỷ đồng); 3 tháng đầu năm 2023 đạt 102 tỷ đồng.

Quản lý thu đối với NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cũng có bước tiến đáng kể. Từ thời điểm bắt đầu vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (21/03/2022) đến nay, đã có 52 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử (trong đó có các NCCNN lớn trên thế giới như: Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft). Đến nay, các NCCNN đã khai, nộp thuế tương đương hơn 7.250 tỷ đồng.

Về thông tin do Sàn cung cấp trên Cổng thông tin TMĐT, Tổng cục Thuế cho hay: Đối với kỳ cung cấp thông tin đầu tiên (Quý 4/2022), tính đến ngày 05/04/2023, đã có 296 sàn cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế. Trong các sàn TMĐT cung cấp thông tin có một số sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso,... .

Các thông tin phải cung cấp theo quy định bao gồm: thông tin chung (tên, MST/ĐKKD/CCCD), thông tin liên hệ (Email, SĐT), địa chỉ kinh doanh, địa chỉ thường trú, nhóm ngành hàng dịch vụ kinh doanh, tài khoản ngân hàng của các nhà cung cấp trên sàn.

Cho đến nay, theo dữ liệu thống kê từ Cổng thông tin TMĐT thì Cơ quan Thuế đã có được danh sách của 146.967 cá nhân và 31.635 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 50.216.889 lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 15.231 tỷ đồng.

Hải Nam