Năm 2016, xã Đông Hưng chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Chu Văn Bảo, người dân tộc Sán Dìu ở thôn Đồng Cống không chỉ tự nguyện hiến đất mà còn nỗ lực thuyết phục bà con cùng hiến đất làm đường cùng cả xã đạt chỉ tiêu nông thôn mới.
Người Sán Dìu có nhiều tên gọi khác nhau như: Sán Dìu, Sán Déo, Trại, Trại Đất, Mán Quần Cộc...Tháng 3-1960, Tổng cục Thống kê Trung ương đã đưa vào danh mục thống kê tên gọi Sán Dìu và từ đó đến nay, Sán Dìu đã trở thành tên gọi chính thức và phổ biến của tộc người này.
Theo số liệu thống kê, người Sán Dìu đang sinh sống tại Bắc Giang với dân số khoảng 28 nghìn người, tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế.
Trồng trọt là hoạt động kinh tế chính của người Sán Dìu, trong đó lúa là cây lương thực đóng vai trò chủ đạo. Ngoài ra có ngô, khoai sắn...Cùng với trồng trọt, người Sán Dìu ở Bắc Giang rất chú trọng đến chăn nuôi nhất là chăn nuôi đại gia súc và chăn nuôi gia cầm. Nuôi ong là 1 nghề đã có từ lâu đời, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người Sán Dìu.
Là người có uy tín của thôn Đồng Cống trong số 10 người có uy tín ở xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, ông Chu Văn Bảo đã có công lớn nhiều năm nay thuyết phục bà con người Sán Dìu sống trong thôn hiến đất làm mới, mở rộng đường xá đạt chỉ tiêu nông thôn mới và hiện nay đang phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao.