Theo Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, việc duy trì môi trường không thuốc lá, thuốc lào giúp cho người bệnh được hít thở không khí trong sạch, sức khỏe chung được tăng cường và hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/8/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013, trong đó nhấn mạnh về việc xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở y tế, nhằm bảo vệ quyền được hưởng không khí trong lành cho người bệnh và những người không hút thuốc. Nhiều bệnh viện trên toàn quốc đã và đang quyết tâm xây dựng môi trường không khói thuốc.
Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền
Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, các biển hiệu cấm hút thuốc được treo tại nhiều địa điểm tập trung đông người như cổng bệnh viện, phòng làm việc, khu vực khám bệnh, buồng bệnh... Nội dung tuyên truyền về tác hại thuốc lá được phát thường xuyên trên màn hình đặt tại trung tâm phòng chờ khám bệnh. Bệnh viện tổ chức cho toàn bộ các cán bộ y tế ký cam kết không hút thuốc lá trong khuôn viên. Đối với bệnh nhân và người nhà, các bác sĩ thường xuyên tuyên truyền tác hại thuốc lá và khuyến khích bệnh nhân bỏ thuốc. Nhờ đó môi trường bệnh viện luôn sạch sẽ, thông thoáng, góp phần đem lại sự hài lòng cho người bệnh.
Ở Hà Tĩnh, từ năm 2017 Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức các lớp truyền thông trực tiếp về tác hại và Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các đối tượng trên địa bàn; treo băng rôn, khẩu hiệu tại các cơ quan đơn vị về xây dựng môi trường không khói thuốc. Bệnh viện cũng viết bài tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá phát trên hệ thống truyền thanh bệnh viện và đăng tải trên Cổng thông tin bệnh viện, Sở Y tế và UBND huyện. Nhờ vậy tỷ lệ người hút thuốc lá trong cơ quan đơn vị và cộng đồng bệnh nhân và người nhà người bệnh giảm xuống đáng kể.
Tại Sóc Trăng, các cơ sở y tế đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào xây dựng “Môi trường không khói thuốc” tại tất cả các khoa, phòng, các y, bác sĩ còn chịu trách nhiệm tư vấn về các phương pháp cai nghiện thuốc lá cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và cộng đồng, kết hợp lồng ghép các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các hoạt động truyền thông, nâng cao sức khỏe cho mọi người.
Đưa vào nội quy, phong trào thi đua của bệnh viện
Để “xóa bỏ” khói thuốc, nhiều bệnh viện rất quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp.
Như tại bệnh viện đa khoa huyện Ninh Giang (Hải Dương), hành vi vi phạm các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá được xem là vi phạm nội quy, quy chế của đơn vị. Cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên hút thuốc lá tại các hàng quán bên ngoài bệnh viện cũng bị coi là vi phạm. Theo bệnh viện, sau 5 năm triển khai thực hiện "Môi trường bệnh viện không khói thuốc", từ chỗ trên 60% cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên là nam giới hút thuốc lá thì nay đã không còn ai hút thuốc.
Hay bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá cấp bệnh viện từ năm 2010. Hàng năm, bệnh viện đều xây dựng kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo triển khai các hoạt động, hàng quý tiến hành kiểm tra, đánh giá để rút kinh nghiệm và có hướng khắc phục. Bệnh viện cũng đưa nội dung thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá vào chỉ tiêu thi đua, khen thưởng.
Ở Hà Nội, bệnh viện Việt Đức còn thực hiện quy định phạt 10 triệu đồng trích từ quỹ thưởng đối với khoa có đầu mẩu thuốc lá. Đội ngũ bảo vệ để bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân hút thuốc thì ca trực đó bị phạt 20 triệu đồng. Tại bệnh viện, bệnh nhân hay người nhà hút thuốc đều bị các nhân viên y tế nhắc nhở.
Mới đây, trong lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25 - 31/5), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi làm việc, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các khách sạn, nhà hàng và các địa điểm cấm hút thuốc khác.
Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có khoảng 900.000 ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao. |
Minh Tuấn