Mới đây, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán với tổng số tiền 245 triệu đồng.
Ngoài các khoản HAG bị phạt lên đến 120 triệu đồng, trong đó 60 triệu đồng lỗi vi phạm về công bố thông tin và 60 triệu đồng về lỗi không bố thông tin đầy đủ nội dung theo quy định. Đáng chú ý, khoản phạt lên đến 125 triệu của HAG liên quan đến khoản giao dịch với cổ đông năm 2021. Cụ thể, công ty có khoản giao dịch cho vay với bên liên quan là cổ đông cá nhân, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, HAG không hề nêu tên cụ thể khoản vay. Trong khi đó, thuyết minh báo cáo hợp nhất cuối năm 2021 ghi rõ, HAG đã cho ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG vay 102 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm.
Kết thúc năm 2021, thời điểm gần nhất HAG cho ông Đoàn Nguyên Đức vay, nợ phải trả của HAG chiếm hơn 9.100 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn gần 15.000 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn gần 1.200 tỷ, chi phí phải trả ngắn hạn gần 2.000 tỷ đồng trên tổng nợ ngắn hạn 3.500 tỷ đồng. Về nợ dài hạn 5.600 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn chiếm gần 5.000 tỷ đồng.
Theo kết quả kinh doanh quý II, các con số tương ứng trên của HAG vẫn tiếp tục gia tăng. Đáng nói, những khoản nợ của HAG đang chiếm 60% tổng tài sản, nhưng HAG vẫn dễ dàng cho cổ đông cá nhân vay với số tiền khủng.
Tương tự, ngày 18/8, UBCKNN ban hành Quyết định số 607/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land - mã CRE), mức phạt tổng cộng 185 triệu đồng do CRE đã vi phạm về báo cáo tình hình quản trị công ty các năm 2020, 2021 và năm 2021 cũng chưa thống kê số lượng các cuộc họp của Hội đồng quản trị.
Đáng chú ý, CRE đã vi phạm quy định về giao dịch trong năm 2020, 2021, liên quan đến cấp các khoản vay cho Công ty Cổ phần Bất động sản Cen Sài Gòn, tổ chức có liên quan hàng loạt các lãnh đạo quan trong trong HĐQT của CRE.
Tiếp theo, từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, công ty cấp khoản vay cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thế Kỷ, tổ chức có liên quan đến cổ đông CRE.
Trong BCTC quý II, nợ phải trả của CRE bao gồm nợ ngắn hạn 2.000 tỷ đồng, trong đó khoản vay nợ tài chính ngắn hạn lên đến 1.100 tỷ đồng. Nợ dài hạn gần 1.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay dài hạn chiếm 98%. Như vậy, trong các các khoản nợ của CRE, lượng đi vay chiếm khoảng 65%.
Trước đó, hồi tháng 6, UBCKNN cũng ban hành quyết định phạt 85 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Xây dựng 1369 (mã: C69). Trong báo cáo tài chính tổng hợp năm 2020, C69 đã phát sinh một khoản cho vay cổ đông của Công ty là ông Lê Minh Tân số tiền 12 tỷ đồng, trong đó hợp đồng vay tiền ngày 6/12/2019. Ông Tân khi đó là Chủ tịch HĐQT của C69.
Hành vi giấu giếm cho vay với số tiền khủng, trong khi các khoản nợ vay của các doanh nghiệp này đang rất lớn, làm tổn hại đến cổ đông, đặc biệt các cổ đông nhỏ lẻ. Sau khoảng thời gian dài, nếu UBCKNN không công bố thông tin và hình thức xử phạt, các cổ đông không hề hay biết.
Tín hiệu gia tăng bắt đáy
Theo CTCK Rồng Việt, thị trường tiếp tục thất bại trong việc nới rộng đà tăng lên trên vùng cản 1.280 và lùi bước do lực cầu giá cao vẫn còn thận trọng. Tuy nhiên, thị trường cũng đã ghi nhận tín hiệu gia tăng của dòng tiền bắt đáy khi VN-Index lao nhanh về vùng hỗ trợ 1.262-1.268 điểm và vùng 1.290 điểm của VN30-Index. Với động thái hỗ trợ ngắn hạn này, thị trường vẫn còn cơ hội được hỗ trợ và tăng điểm trở lại.
CTCK SHS nhận định, thị trường duy trì được đà tăng điểm lên tuần thứ sáu liên tiếp tuy vậy, nhưng nỗ lực để lấp đầy hoàn toàn gap down trong khoảng 1.260-1.285 điểm giữa hai phiên giao dịch 10/6 và 13/6 vẫn chưa thể thực hiện được khi VN-Index thất bại trước ngưỡng kháng cự quanh 1.280 điểm (MA100 ngày).
Thanh khoản trong tuần qua có sự suy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của 20 tuần gần nhất. Điều này phần nào đã cho thấy được sự thận trọng của dòng tiền ở vùng giá hiện tại.