“Cuộc đua số” tạo cảm hứng công nghệ cho SV
Hơn một năm trước, khi nghe thông tin về Cuộc đua số, ĐH Thông tin Liên Lạc đã nhận thấy đây là một cuộc thi trí tuệ rất hấp dẫn bởi ứng dụng những công nghệ mới nhất trên thế giới, giúp SV được tiếp cận và thực hành bằng bài toán thực tế - lập trình cho xe tự hành.
Ngay sau đó, nhà trường đã “chịu chơi” đầu tư trang bị xe mô hình và tổ chức cuộc thi Cuộc đua số ở phạm vi cấp trường, thu hút hàng trăm SV tham gia. Với sự đầu tư kỹ lưỡng đó từ phía nhà trường, nên ở Cuộc đua số Mùa 3, nhóm SV của ĐH Thông tin Liên Lạc là đội duy nhất hoàn thành trọn vẹn một vòng đua, xếp thứ nhất bán kết phía Nam với quãng đường 62,5m trong thời gian 35 giây. Thành tích đó đã giúp ĐH Thông tin Liên Lạc vượt qua được nhiều trường đại học tên tuổi khu vực phía Nam lọt vào trận chung kết Cuộc đua số Mùa 3.
Clip Cuộc đua số cấp trường ở ĐH Thông tin Liên Lạc
Không kém cạnh ĐH Thông tin Liên Lạc, ở Cuộc đua số Mùa 3, ĐH Lạc Hồng đã bỏ ra vài chục triệu đồng để đầu tư một sa hình giống sa hình của Cuộc đua số để các bạn SV luyện tập. Mặc dù đã 2 lần tuột tay khỏi chiếc cup vô địch (ở Mùa 1 và Mùa 3) nhưng lãnh đạo ĐH Lạc Hồng khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực cho SV, quyết tâm đạt thành tích cao ở mùa giải năm sau.
Ngay sau khi Cuộc đua số Mùa 3 kết thúc, Đại tá, PGS.TS Lê Minh Thái, PGĐ Học viên Kỹ thuật Quân sự chia sẻ một tin vui cho các SV màu áo lính: trường sẽ tập trung giảng dạy các công nghệ mới, ưu tiên những lĩnh vực có tính ứng dụng thực tiễn cao như xe tự hành.
Sân chơi Cuộc đua số do FPT tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo SV công nghệ |
Không chỉ có sự đầu tư mạnh mẽ từ phía nhà trường, nhiều SV sau khi tham dự Cuộc đua số đã thành lập các câu lạc bộ về xe tự hành với mong muốn chia sẻ và lan tỏa công nghệ mới từ cuộc thi đến các bạn trong trường.
Từ khi tham gia Cuộc đua số Mùa 2, Lê Huy Nam Anh, Tạ Quý, Nguyễn Thế Nam (SV ĐH FPT khóa 12 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm của ĐH FPT) đã có niềm đam mê mãnh liệt đối với công nghệ xe tự hành. “Mỗi lúc tụi em tập luyện xe, có rất nhiều bạn cùng trường cũng tò mò ra xem, hỏi han rất nhiều về công nghệ này”. Thế Nam cho biết.
Vì vậy, ngay khi cuộc thi kết thúc, Nam và các bạn đã đồng lòng thành lập nên câu lạc bộ Automomous Car để theo đuổi đam mê và mang đến những kiến thức hữu ích, mới mẻ về Công nghệ tự hành học hỏi được qua Cuộc đua số phổ biến lại cho đông đảo SV FPT. Đến nay, CLB của Nam đã tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt có ý nghĩa như vậy.
Cũng được tiếp lửa đam mê công nghệ tự hành từ khi tham gia Cuộc đua số, trường ĐH Lạc Hồng đã thành lập CLB Comlap về xe tự hành để tạo điều kiện cho SV ngành công nghệ thỏa sức sáng tạo và thảo mãn với niềm đam mê của mình.
Cọ xát môi trường toàn cầu
Đặc biệt hơn, vượt khỏi ranh giới Việt Nam, Cuộc đua số đã lan tỏa và tạo niềm đam mê nghiên cứu công nghệ tự hành cho SV các trường đại học quốc tế. Lần đầu tiên đến Việt Nam tham dự Cuộc đua số, Madalin Preda của đội Meantime (ĐH Greenwich của Anh) đánh giá cao những công nghệ được ứng dụng trong Cuộc đua số.
Đại diện đến từ phương Tây cho biết cậu và các thành viên trong đội chưa từng được học công nghệ tự hành cho đến khi được tham gia cuộc thi này. Khi về nước, Madalin sẽ tiếp tục nghiên cứu công nghệ hay ho mới mẻ này để có phong độ tốt hơn ở cuộc thi năm sau.
Có thể thấy, nhờ Cuộc đua số và FPT mà công nghệ xe tự hành hiện nay đã đến gần hơn với đông đảo SV công nghệ. Giờ đây giới trẻ đã không chỉ có kiến thức về công nghệ tự hành tiêu chuẩn mà còn có thể ứng dụng để giải quyết một số bài toán về xe tự hành trên thực tế. Bên cạnh đó, họ còn được cọ sát với môi trường toàn cầu khi thi đấu với các đội thi quốc tế, được thăm quan, trải nghiệm tại các quốc gia hàng đầu về công nghệ như Mỹ, Nhật…
Đứng phía sau sự thành công này là vai trò không nhỏ của FPT. Trong những năm qua, FPT đã đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ tự hành, góp phần đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia tiên phong nghiên cứu, phát triển công nghệ tự hành thành công tại Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Malaysia). Không dừng ở đó, FPT còn đầu tư mạnh về vật chất, tiên phong mang những thành tựu công nghệ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực tự hành về Việt Nam để giới trẻ được tiếp cận, thực hành. Thông qua sân chơi công nghệ mang tầm vóc quốc tế này, FPT mong muốn góp phần xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Cuộc đua số là cuộc thi công nghệ do Tập đoàn FPT tổ chức từ năm 2016 dành cho SV công nghệ các trường đại học trên cả nước. Từ sân chơi này, đến nay đã có hàng ngàn bạn trẻ được tiếp cận, thực hành với công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tự hành. Bắt đầu từ mùa thi thứ 3, Cuộc đua số đã trở thành cuộc thi quốc tế khi có sự tham gia của các trường đại học trong và ngoài nước. Không chỉ là sân chơi công nghệ dành cho SV, Cuộc đua số còn truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ tham gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực tự hành. Tại Việt Nam, FPT là một trong số ít các doanh nghiệp công nghệ đã đầu tư lâu dài, bền bỉ để tạo sân chơi công nghệ cho giới trẻ, qua đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao cho Việt Nam. Trong suốt 20 năm qua, FPT luôn là doanh nghiệp đi đầu trong việc tổ chức nhiều cuộc thi công nghệ dành cho giới trẻ như Trí Tuệ Việt Nam (2000-2007), Mobile Lab (2008-2009), Mobile Robot Challenge (2013), S.M.A.C Challenge (2014-2015), Cuộc đua số (từ 2016 đến nay)... |
Lệ Thanh